Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science vào ngày 8/8, các nhà khoa học tại Đại học California, San Diego (Mỹ) phát hiện protein lớn nhất trong tự nhiên mang tên PKZILLA-1 trong tế bào của tảo vàng (Prymnesium parvum).
Hầu hết các protein trong tự nhiên chỉ dài vài nanomet (nm) và có khối lượng trung bình khoảng 50 kilodalton (kDa) đối với các sinh vật phức tạp. Nhưng protein PKZILLA-1 có thể dài tới 1.250 nm và nặng 4.730 kDa. Nó lớn hơn 25% so với titin, loại protein giữ kỷ lục trước đó được tìm thấy trong cơ bắp của con người.
“Đây là đỉnh Everest [đỉnh núi cao nhất thế giới] của protein”, Bradley Moore, tác giả chính của nghiên cứu, nhận định. “Phát hiện này mở rộng tầm nhìn và hiểu biết của chúng ta về những tiềm năng và giới hạn của sinh học”.
Protein PKZILLA-1 thực chất là một loại enzyme giúp tảo sản xuất độc tố prymnesin thông qua một loạt các phản ứng hóa học. Loại độc tố này liên quan đến tình trạng cá chết hàng loạt khi tảo vàng nở hoa trong môi trường nước.
Việc khám phá cơ chế sinh học mà tảo vàng sử dụng để tạo ra độc tố phức tạp đã tiết lộ những chiến lược mới để con người điều chế những hóa chất chưa từng được biết đến trước đây, từ đó mở ra cơ hội phát triển các loại thuốc và vật liệu mới.
Nguồn: Newatlas.com
Quốc Hùng và nhóm tác giả