Băng tan ở hai cực do hiện tượng nóng lên toàn cầu đang làm thay đổi tốc độ quay của Trái đất và làm tăng độ dài của mỗi ngày, theo kết quả nghiên cứu của Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS) vào ngày 15/7.


“Lượng nước từ các khối băng tan chảy ở Greenland và Nam Cực di chuyển vào các đại dương trên thế giới, đặc biệt là vùng xích đạo, gây ra một sự dịch chuyển về khối lượng”, Benedikt Soja, thành viên của nhóm nghiên cứu, giải thích. “Giống như khi một vận động viên trượt băng nghệ thuật thực hiện động tác xoay tròn,ban đầu giữ chặt cánh tay vào cơ thể và sau đó duỗi thẳng ra. Tốc độ quay của vận động viên trở nên chậm dần vì khối lượng di chuyển ra xa trục quay theo định luật bảo toàn mô men động lượng”.

Trái đất quay chậm hơn sẽ khiến độ dài của một ngày sẽ tăng thêm vài mili giây so với 86.400 giây ở thời điểm hiện tại.

Những thay đổi này rất nhỏ, nhưng trong thế giới công nghệ cao và siêu kết nối của chúng ta, chúng có ảnh hưởng đến nhiều hệ thống đòi hỏi mức độ chính xác ở mức cao, chẳng hạn như GPS.

Nguồn: CNN, Phys.org

Đăng số 1301 (số 29/2024) KH&PT