Bộ trưởng Khoa học, Đổi mới và Công nghệ của Vương quốc Anh Peter Kyle muốn hợp tác với EU về trí tuệ nhân tạo (AI) nhưng cũng muốn vạch ra một con đường pháp lý nằm ở giữa EU và Mỹ.

Công nghệ AI có thể giúp tăng tốc quá trình phát triển thuốc.
Công nghệ AI có thể giúp tăng tốc quá trình phát triển thuốc.

Mới đây, ông Peter Kyle đã tiến hành trao đổi về hợp tác trong KH&CN với EU, một động thái khác biệt so với người tiền nhiệm, vốn chỉ nhấn mạnh vào những lợi ích thu được từ sự khác biệt trong quy định với EU.

Nói với Science| Business, ông cho biết Chính phủ Anh do Đảng Bảo thủ dẫn dắt 14 năm trước đã từ chối “cơ hội để Anh nghĩ và hành động ở quy mô toàn cầu”. “Rõ ràng là có lợi ích thu được từ sự hợp tác, toàn diện và bền vững, với các đối tác của chúng tôi trên toàn cầu và với châu Âu”, ông nói sau khi trở về từ Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) ở Geneva.

Việc Bộ trưởng Bộ KH&CN và Đổi mới Anh Kyle thay đổi quan điểm cho thấy một nỗ lực trong chính phủ trung tả mới của quốc gia này tái xây dựng những mối quan hệ chặt chẽ hơn với EU, vốn đã bị ảnh hưởng ít nhiều của Brexit trong những năm qua.

Dưới sự dẫn dắt của Đảng Bảo thủ, Chính phủ Anh đã đề cập đến những lợi ích từ Brexit và coi đó là con đường thoát khỏi những quy định ràng buộc làm ảnh hưởng đến sự phát triển một số công nghệ quan trọng. Trong một hành động được nhiều nhà khoa học ủng hộ, chính quyền cũ của Anh đã thông báo về việc lập nhiều kế hoạch để nới lỏng các quy định trong nghiên cứu về cây trồng chỉnh sửa gene, nhằm thoát khỏi hệ thống quy định chặt chẽ của EU.

Chính phủ tiền nhiệm cũng có một cách tiếp cận thông thoáng hơn với AI, trái ngược với quan điểm của EU, một trong những khu vực có hệ thống pháp lý toàn diện bậc nhất thế giới trong việc hình thành đạo luật về AI. Tuy nhiên kể từ khi Đảng Lao động lên cầm quyền vào tháng bảy, ông Kyle đã tập trung một cách cẩn trọng hơn vào AI, và dự kiến là sẽ chuẩn bị một hệ thống pháp lý mới, dẫu chưa rõ là khi nào nó được công bố.

Anh là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về nghiên cứu AI - là nơi Google đặt phòng thí nghiệm Deepmind - và Kyle cho biết, Anh muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ và EU về công nghệ quan trọng này.

“Tôi tin là nếu chúng tôi hợp tác chặt chẽ với các đối tác chính của chúng tôi ở Mỹ và EU hơn, chúng tôi có thể định hình được các công nghệ đo”, ông nhận định.

Cùng làm việc về an toàn AI


Chính phủ tiền nhiệm, dẫu không đưa ra một hệ thống luật quy định về AI, cũng vẫn lo ngại về những rủi ro ngày một hiện hữu bởi các thuật toán đầy sức mạnh đang cố vượt khỏi sự kiểm soát của con người. Năm ngoái một hội nghị toàn cầu tại chính Bletchley Park, nơi phá được mật mã của người Đức trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai, đã bày tỏ lo ngại khả năng AI có thể là nguyên nhân “nghiêm trọng, thậm chí thảm họa” cho con người. Trong một đột phá ngoại giao, Trung Quốc đã tham gia ký vào bản thông báo toàn cầu này.

Đảng Bảo thủ đã ngay lập tức thành lập Viện Nghiên cứu An toàn AI để kiểm chứng các năng lực của các hệ thống quyền lực bậc nhất, kiểm tra xem liệu chúng có thể thao túng con người, ví dụ như vậy, hoặc có thể được sử dụng để tạo ra vũ khí sinh học mới không.

Ông Kyle dự kiến sẽ tiếp tục tập trung vào an toàn AI và mong muốn cả EU và Mỹ, cùng với các tổ chức ở nhiều quốc gia khác hợp tác với nhau (Mỹ cũng đã nhanh chân thành lập một Viện Nghiên cứu về An toàn AI của riêng mình do thấy sự quan trọng của vấn đề). “Một cộng đồng gồm các tổ chức về an toàn AI đang được mở rộng sau hội nghị Bletchley”, ông Kyle nhận xét.

Một con đường trung dung


Dẫu cho biết muốn hợp tác với EU về AI nhưng ông cho rằng, các quy định pháp lý của Anh vẫn còn những khác biệt so với Đạo luật AI của EU. Thứ nhất, quy định pháp lý của Anh sẽ hướng vào việc chuyển một thỏa thuận tự nguyện của các công ty lớn về AI thành một yêu cầu pháp lý bắt buộc. Thỏa thuận này cam kết các công ty AI hàng đầu công khai việc họ đánh giá và kiểm tra các rủi ro. Thứ hai, Anh sẽ thiết lập Viện An toàn AI như một cánh tay nối dài của chính phủ, “vì vậy nó có một tương lai dài hạn để hợp tác và xây dựng các mối quan hệ khắp thế giới”, Kyle nói.

Nhìn chung, Anh sẽ cố gắng cân bằng giữa Đạo luật AI toàn diện của EU và cách tiếp cận thông qua các mệnh lệnh hành pháp của Mỹ. “Chúng tôi có thể đảm bảo rằng an toàn được đặt vào trọng tâm từ đầu và chúng tôi có thể tận dụng nó cho các loại hàng hóa công, tuy nhiên vẫn có thể không làm ảnh hưởng tiêu cực đến bối cảnh pháp lý của EU hay Mỹ. Chúng tôi sẽ tìm ra con đường của chính mình”, Kyle nói.

Tuy vậy, con đường riêng biệt này có thể khiến cho Anh bị tụt hậu khi điều hành các hoạt động AI, một số chuyên gia đánh giá. “Quy định về AI đang tiến triển nhanh chóng và đó là điều nguy hiểm cho một chính phủ mới chỉ hành động theo kiểu ‘xem và chờ’ như cách tiếp cận của Đảng Bảo thủ”, theo nhận định của Jack Stilgoe, giáo sư về chính sách KH&CN ở University College London.

Việc Anh tập trung vào các hệ thống AI nhiều sức mạnh nhất và có tiềm năng rủi ro nằm ngoài quyền kiểm soát nhiều nhất, cũng có thể khiến Anh dễ bỏ qua những rủi ro nhỏ hơn. Chẳng hạn như Đạo luật AI của EU cấm việc sử dụng AI cụ thể như đánh giá khả năng ai đó là tội phạm, tạo các cơ sở dữ liệu ghi nhận khuôn mặt hoặc sử dụng “các kỹ thuật lôi kéo hoặc thao túng” hành vi gây ảnh hưởng. Không có dấu hiệu nào cho thấy Anh sẽ học hỏi cách làm này.

Đảng Lao động cũng đã giữ một số nhân vật đam mê AI nhất của Đảng Bảo thủ lại làm cố vấn, Stilgoe nói. “Những người này đều có xu hướng nói về rủi ro hiện hữu trước mắt, vốn không phải là điều tốt cho quy định tin cậy”.

Hơn nữa, quy mô của thị trường EU sẽ khiến cho các công ty AI sẽ chấp nhận áp dụng các quy định của EU hơn là bất cứ khung khổ nào do Anh tạo ra, Kieron Flanagan, giáo sư chính sách KH&CN tại đại học Manchester nói. “Quyền lực pháp lý từ quy mô thị trường có thể ngăn cản sự tham gia của các công ty AI”, ông chỉ ra. “Anh sẽ có rất ít ảnh hưởng với các công ty đó, nếu như không hành động cùng với EU. Và tôi nghĩ chính phủ hiện nay có lẽ cũng hiểu điều đó”.

Điều tiếp theo là các công ty Mỹ bán các sản phẩm AI vào châu Âu không thích làm thêm một phiên bản ít ràng buộc hơn chỉ cho Anh, ngay cả khi Anh tạo ra quy định thông thoáng hơn, ông cảnh báo. “Chúng ta sẽ chỉ đề xuất những gì mà EU đề xuất”.

Con đường pháp lý ở giữa EU và Mỹ có thể sẽ đưa AI của Anh đi đến một kết cục xấu nhất. Chúng ta sẽ không nhận được lợi ích nào từ một cuộc cạnh tranh khốc liệt”, Flanagan nói.

Nguồn: sciencebusiness.net

Đăng số 1314 (số 42/2024) KH&PT