“Đến nay, chưa có một văn bản pháp quy nào bắt buộc hay yêu cầu sử dụng, chủ yếu là người trong nghề biết rồi chia sẻ thông tin với nhau, từ đó giới thiệu người quen áp dụng. Vì vậy, số bà mẹ biết đến và tiêm vắcxin ho gà vẫn chưa nhiều”.

Biết thông tin phụ nữ mang thai có thể tiêm vắcxin ho gà để phòng bệnh này cho con trong những ngày trứng nước qua bài chân dung “Phó Giáo sư - tiến sỹ (PGS-TS) Hoàng Thị Thu Hà: Người coi vi khuẩn là của hồi môn” trên Khoa học và Phát triển số 936, độc giả Cù Hồng Lan (Thanh Hóa) đã liên lạc với tác giả bài báo nhằm hỏi thêm thông tin về việc triển khai tiêm vắcxin này cho thai phụ, cũng như các chỉ dẫn cụ thể.

Một thai phụ Mỹ được tiêm vắcxin. Ảnh: Medscape
Một thai phụ Mỹ được tiêm vắcxin. Ảnh: Medscape

PGS Hà cho biết, ho gà là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhũ nhi. Công trình nghiên cứu về tiêm vắcxin phòng ho gà - bạch hầu - uốn ván cho thai phụ tại thời điểm 18-36 tuần thai mà bà thực hiện có mục đích tăng cường miễn dịch chủ động để tránh truyền bệnh ho gà từ mẹ sang con, đặc biệt bảo vệ trẻ trước bệnh này ngay từ lúc sinh cho đến 2 tháng tuổi - thời điểm trẻ bắt đầu được tiêm phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván theo lịch của chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Nghiên cứu trên đã khẳng định được tính an toàn của vắcxin phòng ho gà - bạch hầu - uốn ván trên phụ nữ có thai tại Việt Nam. “Trong chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia có tiêm uốn ván cho phụ nữ có thai, mà vắcxin ho gà cũng có thành phần phòng uốn ván. Khi tôi làm nghiên cứu có nhận thấy tác dụng phụ của vắcxin ho gà còn ít hơn tiêm uốn ván” - PGS Hà nói.


Tuy nhiên, theo kết quả mà Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học - Bộ Y tế - thông báo thì việc sử dụng vắcxin ho gà cho phụ nữ có thai mới chỉ dừng lại ở việc khuyến cáo. “Đến nay, chưa có một văn bản pháp quy nào bắt buộc hay yêu cầu sử dụng, chủ yếu là người trong nghề biết rồi chia sẻ thông tin với nhau, từ đó giới thiệu người quen áp dụng. Vì vậy, số bà mẹ biết đến và tiêm vắcxin ho gà vẫn chưa nhiều” - PGS Hà nói. Bà giải thích, sở dĩ việc tiêm vắcxin ho gà cho thai phụ mới dừng ở mức khuyến cáo là do lượng vắcxin hiện có không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế. Đây lại là vắcxin dịch vụ nên giá khá cao, khó áp dụng cho mọi thai phụ.

Để tiêm vắcxin ho gà vô bào cho thai phụ một cách an toàn, hiệu quả, bà Hà khuyến cáo nên tiêm từ tuần thứ 28 - khi thai nhi đã ổn định, các bộ phận cơ thể đã hoàn thiện. Trước khi tiêm, nên siêu âm, kiểm tra sức khỏe. Nếu tiêm sớm quá, lượng kháng thể tồn lưu trong cơ thể mẹ sẽ giảm do bị đào thải, không đủ cung cấp cho trẻ lúc ra đời. Nếu lần mang thai tiếp theo diễn ra sau 5 năm, bà mẹ có thể tiếp tục tiêm.

PGS Hà cũng cho biết, một mũi vắcxin ho gà vô bào Adacel hoặc Boostrix có giá nhập khoảng 700.000 đồng, tính cả chi phí tiêm có thể thành 800.000 đồng/mũi. Bà kỳ vọng, thời gian tới, Việt Nam sẽ tự sản xuất được vắcxin ho gà vô bào, đưa vắcxin này vào chương trình tiêm chủng miễn phí để các bà mẹ vùng sâu, vùng xa hoặc các bà mẹ khó khăn về kinh tế có thể tiếp cận.