Cách đây hơn 6 năm, một sinh viên du học Bắc Kinh đã nảy ra ý tưởng dùng màng lọc HEPA để tự đối phó với ô nhiễm trong phòng. Ý tưởng đó đã thành sản phẩm phục vụ cho 40 nghìn hộ gia đình ở Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác.

Một chàng sinh viên đã chế tạo ra máy lọc không khí chỉ với 30 USD, trong khi thiết bị lọc không khí khác giá tới 2.000 USD. Anh đã sáng lập ra một công ty startup và cung cấp sản phẩm cho hơn 40 nghìn gia đình tại Trung Quốc, Ấn Độ.

Thomas Talhelm thuyết trình về màng lọc HEPA | Ảnh: Smart Air
Thomas Talhelm thuyết trình về màng lọc HEPA | Ảnh: Smart Air

Người chế ra quạt lọc không khí hiệu quả với giá siêu rẻ này là Thomas Talhelm, trợ lý giáo sư môn Khoa học Hành vi, Trường Kinh doanh Chicago Booth - Đại học Chicago (Mỹ), đồng thời là nhà sáng lập của doanh nghiệp khởi nghiệp Smart Air giúp nhiều người ở Trung Quốc và Ấn Độ hít thở không khí sạch mà không cần bỏ ra hàng nghìn đô la cho các máy lọc không khí đắt tiền.

Bắt đầu từ vấn đề cá nhân

"Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2007, khi tôi được cử đi dạy trung học ở Quảng Châu. Kể từ đó, tôi đã sống ở Trung Quốc được 6 năm. Việc chế máy lọc không khí cũng rất tình cờ. Tôi vốn chỉ muốn chế 1 chiếc máy lọc không khí trong phòng ngủ của mình. Nhưng rồi may mắn, máy lọc không khí của tôi đã tìm tới được hàng chục nghìn gia đình tại Trung Quốc và Ấn Độ.”, Thomas chia sẻ trên Quora ngày 29/6.

Lúc đầu Thomas chỉ cố gắng giải quyết vấn đề do bị ho liên tục trong khi không khí xung quanh bị ô nhiễm nặng nề. Anh nghĩ đến việc tìm mua máy lọc không khí nhưng đã bị “shock” khi giá tiền của những chiếc máy đang có trên thị trường đều từ 500-2.000 USD. Điều này dường như quá tầm của một cậu sinh viên nghèo.

“Tôi ngờ rằng chi phí cho 1 chiếc máy lọc không khí liệu có thực sự tốn tới cả nghìn USD không? Điều đó đã thôi thúc tôi nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này. Và tôi đã tìm thấy mọi thông tin mình cần trên trang Wikipedia.”

Tri thức công cộng chỉ tới màng lọc HEPA

Trên Wikipedia và trang thảo luận cộng đồng Quora, các kết luận chỉ ra rằng

• Một tấm lọc không khí HEPA (High-efficiency particulate air - lọc khí hiệu suất cao) sẽ lưu giữ được 99% các hạt bụi có kích cỡ trên dưới 0,3 micromet.

• Bộ lọc HEPA được phát minh vào thập niên 1940. Người phát minh ra nó không đăng ký bản quyền, nên ai cũng có thể tự làm một tấm lọc không khí cho riêng mình.

• Giá thành của nó khá rẻ, vì chúng được làm từ sợi tổng hợp, chẳng khác gì vải áo hoặc vải làm balo cả.

“Thế là tôi tìm đến một nhà máy sản xuất tấm lọc HEPA, đặt mua một chiếc với giá khoảng 15 USD và buộc nó với một chiếc quạt mà tôi có ở nhà. Lúc này, tôi đã có các thành phần thiết yếu của một máy lọc không khí. Trên lý thuyết, nó sẽ phải vận hành được. Song thực tế, liệu nó có hoạt động được không?” Thomas Talhelm tự hỏi.

Sau 5 tuần cho quạt chạy thử trong phòng ngủ, bằng mắt thường anh cũng thấy được lượng bụi bám lên tấm lọc khá đáng kể. Anh đã mua thêm một máy đo hạt bụi trong không khí bằng tia laser để đo liệu màng lọc đó có ngăn được những hạt bụi kích cỡ nhỏ như PM2.5 hay không.

Kết quả đo chất lượng không khí hạt PM2.5 khi bật quạt có màng HEPA trong phòng 15m2
Kết quả đo chất lượng không khí hạt PM2.5 theo giờ khi bật quạt có màng HEPA trong phòng 15m2

Bằng việc thử thiết bị và đo đạc nhiều lần trong nhiều ngày liên tục, với một quạt công suất cao hơn để so sánh với những máy lọc không khí của những hãng hàng lớn, Thomas đã thu thập đủ dữ liệu để kết luận “thiết bị lọc không khí tự chế với giá 30 USD có khả năng lọc được phần lớn hạt bụi siêu nhỏ trong phòng ngủ”.

Rất nhiều người cần đến

Thomas đã viết hướng dẫn cách tự chế máy lọc không khí này lên mạng. Trước đây, anh nghĩ chỉ vài người hay đi du lịch mới chú ý tới sản phẩm này, nhưng hóa ra rất nhiều nơi như Trung Quốc, Ấn Độ phải đối mặt với vấn đề không khí ô nhiễm, khiến sự quan tâm ngày càng tăng.

Một số tờ báo lớn như The Atlantic, Bloomberg, BBC đã để mắt tới bài viết của Thomas và giới thiệu nó. Nhiều email đã gửi về cậu sinh viên để hỏi mua thiết bị, dẫn đến việc anh cùng 2 người bạn Anna Guo và Gus Tate thành lập 1 dự án khởi nghiệp mang tên Smart Air để vận chuyển các thiết bị lọc không khí của mình đi khắp Trung Quốc. Đó là câu chuyện của 6 năm về trước.

Nhưng Trung Quốc không phải là nơi duy nhất gặp vấn đề ô nhiễm không khí. Vì vậy, chương trình Smart Air đã được khởi động ở những nơi như Ấn Độ, Mông Cổ và Philippines, cố gắng gây quỹ để vận hành dự án sản xuất bộ lọc không khí giá rẻ với quy mô toàn cầu.

“Tôi không phải chuyên gia về ô nhiễm không khí. Tôi chỉ là một cậu mọt sách cứng đầu gặp phải vấn đề nan giải thì quyết tâm giải quyết. Điều đó không chỉ tốt cho mình mà còn giúp ích cho nhiều người khác vì họ cũng đang đối mặt với vấn đề tương tự. Có lẽ 'mọt sách' đôi khi cũng có ích," Thomas cho biết.

Hướng dẫn tự chế máy lọc không khí HEPA

Dưới đây là hướng dẫn cách tự chế máy lọc không khí dùng màng HEPA ở trong phòng:

Cách thức tự làm máy lọc không khí bằng màng HEPA tại nhà | Nguồn: Thomas Talhelm
Cách thức tự làm máy lọc không khí bằng màng HEPA tại nhà | Nguồn: Thomas Talhelm

Bước 1: Chuẩn bị 1 tấm màng lọc khí HEPA (có thể mua với giá từ 300.000 - 1.000.000 đồng) và 1 chiếc quạt có mặt trước bằng phẳng.

Bước 2: Tháo phần lưới nhựa bảo vệ an toàn phía trước quạt.

Bước 3: Dùng dây đai cột chặt tấm lọc HEPA vào mặt trước của quạt nhằm cố định màng lọc, tránh bị xê dịch khi quạt chạy ở công suất cao và tạo độ rung.

Bước 4: Sử dụng quạt như một chiếc máy lọc không khí trong phòng.

Lưu ý:

1. Vệ sinh màng HEPA

Có thể sử dụng vòi phun nhẹ nhàng hoặc lau bằng khăn mềm; không dùng hóa chất, chất tẩy hay tác động lực mạnh vào màng lọc bởi nó có thể làm xô dịch kết cấu đan sẵn của màng lọc và gây việc lọc không khí kém hiệu quả.

2. Liệu đặt màng lọc HEPA phía sau quạt có giúp giảm bụi hiệu quả? Thomas Talhelm đã làm thí nghiệm và công bố kết quả đo trên Quora rằng "Đặt bộ lọc ở mặt trước hoặc mặt sau của quạt đềukhiến nồng độ hạt bụi giảm như nhau, miễn là có cùng khoảng cách [từ màng lọc] đến cánh quạt."


_________
Tham khảo:
[3] University of Chicago:How Much Should Clean Air Cost?
[4] Chengdu Living: Escaping the Apathy Trap