Theo khuyến cáo của Tổng cục môi trường phát ra ngày 1/10, nồng độ bụi PM2.5 có xu hướng gia tăng trong thời gian từ ngày 12-17/9, sau đó giảm từ 18-22/9 và tăng cao trở lại, duy trì liên tiếp trong các ngày từ 23-29/9.
Trong những ngày cuối tháng 9/2019, trên các thiết bị/ứng dụng theo dõi không khí, chỉ số chất lượng không khí AQI ở Hà Nội thường xuyên ở mức da cam (AQI >100, không khí kém, nhóm nhạy cảm như trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp cần hạn chế thời gian ở ngoài), có những địa điểm đạt màu tím (AQI>200, không khí xấu, ngưỡng rất có hại cho sức khỏe mọi người, cần hạn chế ra ngoài). Theo số liệu thống kê, nồng độ bụi PM2.5 ở Hà Nội cao nhất 5 năm qua.
Về thời gian không khí xấu trong ngày, khuyến cáo nhận định, "giá trị PM2.5 tăng và duy trì ở mức cao vào đêm và sáng sớm". Các nguyên nhân sơ bộ dẫn đến việc PM2.5 tăng cao được khuyến cáo nêu lên là (i) thời điểm giao mùa thời tiết thay đổi, xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt (ii) hoạt động đốt rơm rạ khu vực ngoại thành (iii) lượng mưa thấp trong nhiều ngày liên tiếp.
Trong hơn 2 tuần qua, các nhà nghiên cứu về không khí hàng đầu trong nước (tại
Group Không khí sạch) đã liên tục đề cập đến khả năng đốt rơm rạ gây ảnh hưởng mạnh tới chất lượng không khí Hà Nội.
Họ cũng lý giải thêm rằng các thời điểm đêm và gần sáng, gió lặng kết hợp với nghịch nhiệt (không khí bên dưới lạnh và nặng hơn lớp không khí phía trên) làm cho khí thải ô tô, xe máy, các hoạt động dân sinh và công nghiệp khác không phát tán lên cao được. Kết quả là gần mặt đất có nồng độ khói bụi rất cao.
Do đó, Tổng cục môi trường khuyến cáo người dân đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh hô hấp hạn chế ra ngoài, hạn chế tham gia giao thông và các hoạt động ngoài trời. Nếu có nhu cầu ra ngoài thì nên đeo khẩu trang và kính mắt.