Dữ liệu về sinh viên MIT nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngủ đủ giấc và giờ đi ngủ đối với điểm số ở trường đại học.
Hai giáo sư của MIT đã tìm thấy mối quan hệ khăng khít giữa điểm và thời gian ngủ của sinh viên. Giờ đi ngủ và sự nhất quán của thói quen ngủ cũng tạo ra sự khác biệt lớn đối với điểm số. Và "ngủ bù" ngay trước một bài kiểm tra quan trọng là không đủ - mà phải mất vài đêm ngủ ngon liên tiếp mới tạo nên sự khác biệt.
Ngay cả những khác biệt tương đối nhỏ về thời lượng, thời gian và tính nhất quán của giấc ngủ của sinh viên có thể có ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kiểm tra, một nghiên cứu mới của MIT cho thấy.
Đây là những kết luận từ một thí nghiệm với 100 sinh viên trong lớp kỹ thuật của MIT được cho đeo Fitbits, thiết bị đeo cổ tay phổ biến theo dõi hoạt động của một người 24/7. Các nhà nghiên cứu được truy cập vào dữ liệu hoạt động của họ trong một học kỳ. Những phát hiện - một số không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng một số khá bất ngờ - vừa được công bố trên tạp chí Science of Learning trong một bài báo của nghiên cứu sinh MIT Kana Okano, giáo sư Jeffrey Grossman và giáo sư John Gabrieli, cùng hai người khác.
Một trong những điều ngạc nhiên là những người đi ngủ sau một ngưỡng giờ cụ thể - đối với những sinh viên này, ngưỡng thường thấy là 2 giờ sáng, nhưng ngưỡng này sẽ thay đổi từ người này sang người khác - có xu hướng thể hiện kém hơn trong các bài kiểm tra, cho dù tổng số giờ ngủ của họ là bao nhiêu đi chăng nữa.
Nghiên cứu này ban đầu không phải nhằm vào giấc ngủ. Thay vào đó, Grossman cố gắng tìm ra mối tương quan giữa hoạt động thể chất và kết quả học tập của sinh viên trong lớp 3.091 (Giới thiệu về Hóa học thể rắn). Ngoài việc có 100 sinh viên đeo Fitbits suốt một học kỳ, Grossman còn cho khoảng một phần tư trong số đó tham gia một lớp thể dục cường độ cao ở Khoa Thể thao, Giáo dục Thể chất và Giải trí của MIT, với sự giúp đỡ của các giáo sư trợ lý Carrie Moore và Matthew Breen. Họ đã tạo ra lớp học đặc biệt cho nghiên cứu này, với dự đoán là có thể đo lường sự khác biệt trong các bài kiểm tra giữa hai nhóm.
Nhưng không có khác biệt nào. Những người không tham gia các lớp thể dục vẫn có kết quả kiểm tra như những người có tham gia.
"Chúng tôi không tìm thấy tương quan [giữa kết quả học tập] với tập thể dục, thật đáng thất vọng vì tôi tin, và vẫn tin rằng, có một tác động tích cực to lớn của việc tập thể dục đến hiệu suất nhận thức", Grossman nói.
Ông suy đoán rằng khoảng thời gian trống giữa lớp thể dục và các lớp học có thể đã quá dài để cho thấy hiệu ứng. Trong khi đó, từ lượng lớn dữ liệu được thu thập trong học kỳ, một số mối tương quan khác là khá rõ ràng. Tuy các thiết bị không dành riêng để theo dõi giấc ngủ, các thuật toán của Fitbit đã phát hiện các khoảng thời gian ngủ và các thay đổi với chất lượng giấc ngủ, chủ yếu dựa trên các cử động của người đeo.
Những tương quan này hoàn toàn rõ ràng, Grossman nói, có một mối quan hệ rõ ràng giữa thời gian ngủ trung bình và điểm số của sinh viên trong bài kiểm tra 11 câu, ba bài kiểm tra giữa kỳ và bài kiểm tra cuối kỳ.
"Có khá nhiều phân tán và nét gập, nhưng nó [tương quan giữa thời gian ngủ và điểm số] là một đường thẳng", ông nói. Mối tương quan giữa giấc ngủ và hiệu suất làm bài kiểm tra không phải là điều đáng ngạc nhiên, nhưng mức độ tương quan trực tiếp này thì rất đáng ngạc nhiên, theo Grossman. Tất nhiên, mối tương quan này không thể chứng minh rằng giấc ngủ là yếu tố quyết định thành tích của sinh viên, mà còn có những yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến cả giấc ngủ và điểm số. Nhưng kết quả cho thấy giấc ngủ "thực sự quan trọng".
"Tất nhiên chúng ta đã biết rằng ngủ nhiều hơn sẽ có lợi cho hiệu suất học tập, từ một số nghiên cứu trước đây dựa trên các biện pháp chủ quan như khảo sát tự báo cáo", Grossman nói. "Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, lợi ích của giấc ngủ liên quan trực tiếp đến hiệu suất trong bối cảnh khóa học đại học ngoài đời thực và dựa trên một lượng lớn dữ liệu khách quan".
Nghiên cứu cũng cho thấy không có sự cải thiện về điểm số đối với những người ngủ bù một đêm ngay trước bài kiểm tra. Theo dữ liệu, "giấc ngủ đêm hôm trước [bài kiểm tra] hoàn toàn không có tác dụng", Grossman cho biết, "Những giấc ngủ quan trọng nhất là giấc ngủ vào các ngày học bài".
Một phát hiện đáng ngạc nhiên khác là dường như có một mốc giờ giới hạn nhất định đối với thời gian đi ngủ, và việc đi ngủ sau mốc này sẽ dẫn đến hiệu suất kém hơn, ngay cả khi tổng số thời gian ngủ là như nhau.
"Thời gian đi ngủ cũng rất quan trọng", Grossman nói. "Nếu bạn có một lượng thời gian nhất định để ngủ, ví dụ khoảng 7 tiếng, thì dù bạn đi ngủ lúc 10 giờ, 12 giờ hoặc 1 giờ,... thì hiệu suất học tập vẫn như nhau. Nhưng nếu bạn đi ngủ sau 2 giờ sáng, hiệu suất của bạn bắt đầu đi xuống ngay cả khi vẫn ngủ đủ 7 tiếng. Vì vậy, tổng lượng thời gian ngủ không phải là tất cả".
Chất lượng giấc ngủ cũng quan trọng, không chỉ là thời gian ngủ. Ví dụ, những người có thời lượng ngủ tương đối ổn định mỗi đêm có hiệu suất kiểm tra tốt hơn những người có thời lượng ngủ thay đổi từ đêm này sang đêm khác, ngay cả khi thời lượng ngủ trung bình của hai nhóm là như nhau.
Nghiên cứu này cũng giúp đưa ra lời giải thích cho vấn đề mà Grossman đã chú ý và tự hỏi trong nhiều năm: trung bình, phụ nữ trong lớp của ông luôn đạt điểm cao hơn nam giới. Bây giờ, ông đã có một câu trả lời khả dĩ: Dữ liệu cho thấy sự khác biệt về số lượng và chất lượng giấc ngủ hoàn toàn có thể giải thích cho sự khác biệt về điểm số. "Nếu giấc ngủ như nhau, nam và nữ có hiệu suất tương đương trong lớp học. Vì vậy, giấc ngủ có thể là lời giải thích cho sự khác biệt hiệu suất giữa nam và nữ".
Sẽ cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu lý do tại sao phụ nữ có xu hướng ngủ tốt hơn nam giới. "Có rất nhiều yếu tố khả năng, tôi có thể hình dung rất nhiều nghiên cứu tiếp theo thú vị để cố gắng hiểu kết quả này sâu sắc hơn".
"Các kết quả này làm tôi thích thú, với tư cách nhà nghiên cứu, nhưng cũng làm tôi hoảng sợ với tư cách một phụ huynh", theo Robert Stickgold, giáo sư tâm thần học và là giám đốc của Trung tâm nghiên cứu về giấc ngủ và nhận thức tại Đại học Y Harvard. Ông nói thêm, "điểm số trung bình của sinh viên có 6,5 tiếng ngủ giảm 50% so với các sinh viên ngủ trung bình 7,5 tiếng. Tương tự như vậy, những người thay đổi thời lượng ngủ chỉ 30 phút từ đêm này sang đêm khác có điểm số giảm 45% so với những người ngủ ổn định. Phát hiện này rất to lớn!"
Stickgold cho biết "phần lớn khác biệt điểm số có thể được giải thích bằng các thông số giấc ngủ này (bao gồm cả thời gian đi ngủ). Tất cả các sinh viên không chỉ cần nhận thức được những kết quả này, mà còn phải hiểu ý nghĩa của chúng để có kết quả tốt ở trường đại học. Tôi cho rằng điều tương tự cũng đúng với học sinh trung học".
Nhưng ông thận trọng nói thêm: "Tuy nhiên, mối tương quan không có nghĩa là quan hệ nhân quả. Không nghi ngờ gì là ngủ ít và nhiều biến đổi sẽ ảnh hưởng điểm số của sinh viên, nhưng cũng có thể việc học kém mới là nguyên nhân dẫn đến ngủ ít hoặc nhiều biến đổi. Hoặc có một yếu tố thứ ba, như ADHD [rối loạn tăng động giảm chú ý], có thể dẫn đến cả ngủ ít và điểm kém".
Nhóm nghiên cứu cũng bao gồm trợ lý kỹ thuật Jakub Kaezmarhot và nhà nghiên cứu Neha Dave của Trường Kinh doanh Harvard. Nghiên cứu được hỗ trợ bởi Khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu MIT, Quỹ Lubin và Sáng kiến Học tập Tích hợp MIT.
Theo một nghiên cứu đã từng được trình bày tại SLEEP 2008 (Hội nghị thường niên lần thứ 22 của Hiệp hội giấc ngủ chuyên nghiệp - APSS), thanh thiếu niên ngủ không đủ giấc không chỉ góp phần làm điểm số thấp hơn và gây thiếu động lực, mà còn có thể làm tăng tỷ lệ rối loạn cảm xúc và hành vi nghiêm trọng, bao gồm cả ADHD.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Fred Danner, Tiến sĩ Đại học Kentucky, tập trung vào thói quen ngủ, điểm số và các đánh giá tâm lý, hành vi của 882 học sinh trung học.
Theo các kết quả, số giờ ngủ mỗi đêm học có tương quan thuận với GPA và mức độ động lực, và tương quan nghịch đáng kể với mức độ rối loạn cảm xúc và ADHD đáng kể về mặt lâm sàng. Mỗi giờ ngủ thêm có liên quan đến giảm tỷ lệ bị đánh giá rối loạn cảm xúc và ADHD về mặt lâm sàng lần lượt là 25% và 34%. |
Nguồn:
http://news.mit.edu/2019/better-sleep-better-grades-1001
https://aasm.org/poor-sleep-can-negatively-affect-a-students-grades-increase-the-odds-of-emotional-and-behavioral-disturbance/