Chăm sóc sức khỏe ban đầu (Primary Health Care) được xem là mô hình lý tưởng để các quốc gia đạt mục tiêu sức khỏe cho tất cả mọi người và không ai bị bỏ lại phía sau.
Tiếp cận mới giải quyết những bất bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe
Suốt một thời gian dài, tiếp cận chăm sóc sức khỏe trên thế giới dần có sự dịch chuyển từ chỗ chỉ là việc riêng của y tế sang việc liên kết đa ngành.
Những năm 1950, sau Thế chiến thứ 2, Tổ chức Y tế thế giới WHO cho rằng muốn có sức khỏe cho người dân cần phải có nhiều y bác sĩ nên đã lấy chỉ tiêu cán bộ y tế/số dân làm chỉ tiêu phấn đấu cho các quốc gia. Đến những năm 1960, họ thấy rằng chỉ riêng số lượng cán bộ y tế là chưa đủ nên nhiệm vụ trọng tâm của WHO trong thời gian này là khuyến cáo các nước xây dựng mạng lưới y tế cơ sở. Tuy vậy, thực tế việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe vẫn chỉ tập trung ở các đô thị và bỏ ngỏ tới 80% ở các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa.
WHO nhận thấy để giải quyết những bất bình đẳng như vậy về sức khỏe thì không thể chỉ gói gọn trong những nỗ lực của y tế mà còn phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển chung của xã hội, môi trường, lối sống, kinh tế, chính trị... do đó đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện hơn.
Điều này dẫn đến việc WHO và UNICEF tổ chức Hội nghị quốc tế năm 1978 tại Kazakhstan với 134 nước và 67 tổ chức quốc tế tham dự, nhằm kêu gọi tất cả hành động để đạt mục tiêu “sức khỏe cho tất cả mọi người – Health for all”. Hội nghị đã đưa ra Tuyên ngôn Alma – Ata, tại đó lần đầu tiên khái niệm “Chăm sóc sức khỏe ban đầu” xuất hiện. Về cơ bản, chăm sóc sức khỏe ban đầu là một chiến lược nhằm thu hẹp khoảng cách giữa y tế công cộng và chăm sóc ban đầu để đưa các dịch vụ y tế của hai cấu phần đó lại gần người dân hơn; đồng thời thực thi một loạt hoạt động trong và ngoài ngành y tế có sự tham gia của cộng đồng để tăng tính tự chủ của người dân với vấn đề sức khỏe, và tích hợp các chiến lược chính trị để gắn vấn đề sức khỏe vào các chính sách kinh tế-xã hội khác.
Hơn 40 năm qua, các nước đã bắt tay vào thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đây là một công việc không dễ dàng, đòi hỏi một sự thay đổi rộng lớn và khó khăn. Tính đến nay, mặc dù đã có những tiến bộ nhất định trong việc chăm sóc sức khỏe ở các quốc gia nhưng WHO vẫn cho rằng nhiều phần vẫn cần nỗ lực khổng lồ.
Hầu hết các hệ thống y tế của các nước vẫn đang dựa trên mô hình cũ, có bệnh mới chữa nên không thể đáp ứng được hết nhu cầu của cá nhân và cộng đồng trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu vẫn tập trung vào điều trị bệnh khi chúng phát sinh thay vì phòng ngừa bệnh. Nguồn lực y tế vẫn bị tập trung quá nhiều vào các can thiệp bệnh đơn lẻ hơn là tổ chức ra các hệ thống y tế mạnh mẽ toàn diện.
Những lỗ hổng này được minh họa rất rõ bởi nhiều trường hợp khẩn cấp về sức khỏe trong những năm gần đây như SARS, Ebola, anti-vaccine,…
Kinh nghiệm toàn cầu
Trên
toàn cầu, chỉ có 52% các trạm y tế được xem là có đủ năng lực cung cấp
dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, trong khi loại hình bệnh viện là 77%.
Lực lượng lao động y tế phù hợp với mục đích cung cấp dịch vụ chăm sóc
sức khỏe ban đầu là điều kiện mang tính quyết định, nhưng dự báo đến năm
2030 thế giới vẫn thiếu hụt hơn 18 triệu nhân viên y tế.
Trong
số 30 quốc gia có sẵn dữ liệu tại WHO thì chỉ có 8 nước có mức chi tối
thiểu nhất 40 USD/người/năm cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Những nước đang phát triển và nghèo vẫn chậm hơn trong việc nâng cấp,
thay đổi hệ thống chăm sóc sức khỏe của mình.
Mặc dù chăm sóc sức khỏe ban đầu đề cập đến nhiều yếu tố nhưng chính phủ các nước vẫn đang dành phần lớn nguồn lực cho việc cải cách liên quan đến hệ thống y tế, chủ yếu để tăng sự tiếp cận và sử dụng của người dân với y tế cơ sở.
Một số trường hợp điển hình như Trung Quốc, Brazil, Sri Lanka, Canada, Anh, Phần Lan, Thái Lan...
Ở Trung Quốc, năm 2015, mô hình cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe phân cấp theo hướng chăm sóc lồng ghép lấy người bệnh làm trung tâm bắt đầu được thí điểm tại quận Lưu Hồ, TP. Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Đây là một quận rộng 78km2 với khoảng 1,47 triệu dân. Họ đã thành lập một nhóm cơ sở y tế thí điểm gồm 05 bệnh viện quận, 23 trạm y tế và 1 viện nghiên cứu, kết hợp với nhau để chia sẻ và quản lý các tài nguyên, hình thành nhóm chăm sóc sức khỏe ban đầu đa ngành tại mỗi trại y tế, thiết lập hồ sơ sức khỏe điện tử có khả năng truy cập chung từ các tổ chức thành viên, tích hợp chăm sóc theo chiều dọc và chiều ngang, triển khai quy trình chăm sóc lâm sàng tích hợp và chuyển viện kép…
Kết quả sau một năm triển khai cho thấy tỷ lệ sân số sử dụng các dịch vụ y tế trong nhóm các cơ sở của mô hình thí điểm ở Lưu Hồ tăng lên, bao gồm cả số lượng bệnh nhân mắc đái tháo đường, tăng huyết áp và tâm thần nặng được quản lý toàn diện. Khảo sát sự hài lòng dịch vụ quận Lưu Hồ được xếp hạng đầu trong số 10 quận khác nhau của TP Thâm Quyến.
Nhờ việc liên kết giữa các cơ sở khám chữa bệnh mà không chỉ hiệu suất cung cấp dịch vụ y tế tăng mà còn giúp giảm các chi phí quản lý hành chính công trong đó (giảm 19% từ 30 triệu USD năm 2015 xuống còn 24,3 triệu USD năm 2017) và tăng mức lương trung bình của nhân viên y tế lên 10%. Chỉ sau 2 năm thí điểm, Bộ Y tế nước này đã giới thiệu mô hình này rộng rãi trong cả nước.
Thái Lan cũng có kinh nghiệm tương tự. Ngành y tế đã thuyết phục được ngành tài chính tăng tổng chi ngân sách y tế từ 8.1% GDP năm 2001 lên 16% GDP năm 2011, chủ yếu để xây dựng các Trung tâm y tế (tương đương trạm y tế xã của Việt Nam) làm cả 3 chức năng cơ bản: khám chữa bệnh ban đầu, dự phòng bệnh tật và nâng cao sức khỏe.
Mỗi trung tâm y tế có quy mô phục vụ 10.000 dân, trong bán kính khu vực dưới 30 phút đi xe ô tô. Một tổ gồm khoảng 8 người (1 bác sỹ tổng quát, 1 nha sĩ, 2 y tá có đăng ký chuyên môn, 4 nhân viên y tế). Kết quả thống kê năm 2010 tại Thái Lan cho thấy các Trung tâm y tế này đã thu hút tới 54% dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú của người dân.
Tùy vào điều kiện của mình, một số nước khác xây dựng các chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu mang tính di động hơn, như Ghana với với chương trình y tế dựa vào cộng đồng để cung cấp dịch vụ chăm sóc di động bởi một y tá nội trú hoặc một cán bộ y tế cộng đồng ở mỗi vùng nông thôn, huyện khó tiếp cận.
Một số nước như El Savaldor đã xây nên các nhóm sức khỏe cộng đồng gia đình (4-6 người, gồm cả cán bộ y tế), sử dụng các ứng cụng CNTT để lập bản đồ theo dõi, phân tích và cảnh báo sức khỏe cho trung bình mỗi 600 gia đình ở khu vực nông thôn hoặc 1.800 gia đình ở khu vực thành thị.
So với những nỗ lực về cải cách y tế, các nội dung khác của chăm sóc sức khỏe ban đầu vẫn còn khiêm tốn. Do vậy, trong Hội nghị toàn cầu về Chăm sóc sức khỏe ban đầu tổ chức ở Kazakhstan tháng 10/2018 vừa qua, tròn 40 năm sau Tuyên ngôn Alma-Ata, WHO tái khẳng định “Chăm sóc sức khỏe ban đầu là cách tiếp cận hiệu quả nhất để đạt được bảo hiểm y tế toàn cầu và các Mục tiêu phát triển bền vững”.
Hội nghị năm 2018 cũng đưa ra “Tuyên ngôn Astana” mới, là bước tiến táo bạo hơn, nhấn mạnh về những cam kết chính trị và sự tham gia của các cộng đồng trong việc thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Tham khảo: