Bạn đã nghe thấy công nghệ hút mỡ bắp chân chưa? Nếu chưa thì đừng bỏ lỡ bài viết dưới đây.
Theo quan niệm bấy lâu nay, bắp chân to sẽ khiến vóc dáng cơ thể trở nên thô kệch và kém quyến rũ. Vì thế, nhiều người đã tìm đến trung tâm thẩm mỹ hay rỉ tai nhau những phương cách để có được bắp chân thon gọn theo đúng "chuẩn".
Nhưng có lẽ, phương pháp đem lại hiệu quả nhanh nhất và cũng đau đớn nhất mà bạn sẽ được tìm hiểu dưới đây hẳn sẽ khiến không ít bạn nhụt chí - cắt bỏ một phần cơ bắp chân.
Các bác sĩ phải đo kích cỡ bắp chân để xác định phần phẫu thuật
Quá trình thu gọn bắp chân...
Để có được một bắp chân thon gọn như ý, bệnh nhân sẽ cần trải qua nhiều buổi gặp gỡ tư vấn của bác sĩ trước khi tiến hành cuộc phẫu thuật kéo dài khoảng 1,5 giờ.
Đầu tiên, bệnh nhân sẽ được truyền nước muối sinh lý vào tĩnh mạch để giúp cơ thể không bị mất nước, đồng thời cung cấp đường dẫn cho việc truyền thuốc mê hoặc máu. Trước khi thực hiện bước này, y tá sẽ phải khử trùng khu vực phẫu thuật một cách kỹ càng.
Tiếp đến, thuốc gây mê được truyền vào cơ thể qua đường tĩnh mạch ban đầu. Sau khi bệnh nhân chìm vào giấc ngủ, bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường dài khoảng 2cm hoặc có thể lớn hơn - tùy vào nếp gấp tự nhiên phía sau đầu gối bệnh nhân.
Vết rạch cung cấp cho bác sĩ tầm nhìn trực quan các cơ ở phía bên trong bắp chân.
Công đoạn tiếp theo cũng là công đoạn quan trọng nhất - cắt bỏ cơ. Phần cơ bắp chân được ưu tiên để lấy đi là phần giữa hoặc phần cơ phía bên trong cơ gastrocnemius (cơ sinh đôi cẳng chân).
Trong trường hợp bắp chân của bệnh nhân thuộc vào hàng... ngoại cỡ, các bác sĩ có thể “gọt” tiếp phần bên của cơ dép (cơ soleus) nằm ở phía rìa của bắp chân.
Cấu trúc cơ bắp chân, trong đó cơ cẳng chân sinh đôi gastrocnemius là phần to nhất và được cắt gọt nhiều nhất, sau đó là đến cơ soleus.
Công đoạn này rất tỉ mỉ nên đòi hỏi bác sĩ thực hiện loại hình phẫu thuật này phải có tay nghề cao. Nhiều chuyên gia thậm chí còn ví đây giống như công việc của những nhà điêu khắc tạo tác trên tác phẩm "bằng xương bằng thịt" theo đúng nghĩa đen.
Sau khi cơ bắp chân đã được cắt gọt như ý muốn, công đoạn tiếp theo sẽ là khâu vết mổ. Trước khi khâu, một ống hút được chèn vào phía trong bắp chân nhằm ngăn hiện tượng tụ máu xảy ra.
Cuối cùng, bắp chân được quấn băng và cố định phía ngoài bằng băng đàn hồi. Đến lúc này, cuộc phẫu thuật được xem như là đã hoàn tất.
Bệnh nhân sau khi phẫu thuật cần nằm lại bệnh viện trong một ngày để theo dõi, nếu tình trạng bình thường thì có thể xuất viện về nhà.
... và những biến chứng cơ thể có thể xảy ra
Phải nói rằng bất kỳ sự can thiệp nào đến cấu tạo cơ thể người đều để lại di chứng và tất nhiên phẫu thuật làm gọn bắp chân cũng vậy.
Những biến chứng có thể xảy ra khi thực hiện phương pháp này là việc tụ máu tại vết mổ, hoặc bị nhiễm trùng máu nếu quá trình khử trùng không được kỹ càng.
Bên cạnh đó, hình dạng chân của bệnh nhân cũng có thể biến dạng, trở nên bất đối xứng. Ngoài ra, bệnh nhân còn phải chấp nhận việc đi lại khó khăn trong vòng hai tuần đầu sau phẫu thuật.
Dù những hệ quả nói trên không quá khó để khắc phục và hiện cũng chưa có biến chứng đáng kể nào được ghi nhận nhưng giới chuyên gia cho rằng, bạn nên cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định.
Nhiều người thậm chí còn lên án gay gắt cho rằng việc loại bỏ đi những cơ bắp hoàn toàn khỏe mạnh chỉ để đẹp hơn theo "chuẩn xã hội" là điều không nên.
Theo các bác sĩ, những người sở hữu bắp chân to là một biểu hiện của đôi chân khỏe mạnh và giàu sức sống nên bạn không nên quá tự ti về kích thước của chúng.
Ngoài ra, bạn có thể chọn các phương pháp tập thể dục nhằm sở hữu một vóc dáng đẹp theo cách lành mạnh và an toàn nhất.