Cơ hội được điều trị chứng "nghiện ăn tóc" khỏi hẳn khá cao nếu người bệnh là trẻ em; ngược lại, tiên lượng không khả quan đối với bệnh nhân là người lớn.

Mới đây, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) đã phẫu thuật thành công cho 4 bệnh nhi có một búi tóc lớn trong dạ dày. Nguyên nhân do các cháu nghiện ăn tóc, lâu ngày tích tụ thành dị vật. Theo các chuyên gia tâm lý - tâm thần, chứng nhổ tóc (trichotillomania) hay rối loạn nhổ tóc (hair-pulling disorder) được coi là một bệnh lý tâm thần.

4% người bệnh tử vong

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, bệnh nhân ăn tóc nhiều nhất mà BV Nhi Đồng 1 đã phẫu thuật là một bé gái tên P.T.T (6 tuổi; ngụ tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Chiều rộng đo được ở điểm lớn nhất của búi tóc lên đến 12 cm, lại có một phần đuôi dài đến 40 cm lọt vào ruột non. Do đặc tính của búi tóc trong dạ dày, vấn đề bệnh nhi gặp phải được gọi là “hội chứng Rapunzel”, một trong những hậu quả có thể xảy ra do chứng nhổ tóc. Rapunzel vốn là tên của nhân vật “công chúa tóc mây” trong truyện cổ Grimm, với mái tóc rất dài có thể chuyển sang vàng lấp lánh hay nâu trong một số tình huống.

Trong một bài viết về hội chứng Rapunzel trên tờ The Conversation, bà Imogen Rehm, nhà tâm lý học thuộc Đại học Swinburne, cho rằng hội chứng này có thể phát triển trên người mắc chứng nhổ tóc (trichotillomania) hoặc nhóm người bị thiểu năng trí tuệ. Búi tóc Rapunzel gây những triệu chứng dạ dày - ruột khá nặng, thậm chí 4% người mắc đã tử vong.

Đối với cháu P.T.T, các BS BV Nhi Đồng 1 đã phát hiện bé bị mất tóc do tự nhổ ở hai bên thái dương. ThS-BS Phạm Minh Triết, Trưởng Khoa Tâm lý của BV này, cho biết cháu T. cần được điều trị về mặt tâm lý sau khi phẫu thuật. Nguồn cơn của căn bệnh có thể do sự mất mát người mẹ ruột vài năm trước, dẫn đến sang chấn tâm lý. Để loại bỏ thói quen nhổ tóc, trẻ nhỏ như cháu T. cần được phụ huynh quan tâm, giúp tinh thần bé ổn định hơn, đồng thời kiểm tra và điều trị theo chỉ định của BS chuyên khoa.

Theo ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP HCM, chứng nhổ tóc bệnh lý được DSM-5 (Hướng dẫn chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần của Hội Tâm thần học Mỹ) xếp vào nhóm “Ám ảnh cưỡng chế và các rối loạn liên quan”. Bệnh gặp ở trẻ em nhiều gấp 7 lần so với người lớn, tỉ lệ mắc cao nhất ở lứa tuổi 4 đến 17. Bệnh làm cho trẻ cảm thấy lo buồn và có thể gây suy giảm ở mức độ trung bình các hoạt động ngoài xã hội, trong nhà trường cũng như mối quan hệ gia đình của trẻ.

Một bệnh nhi mắc chứng nghiện ăn tóc dẫn đến phải phẫu thuật loại bỏ búi tóc lớn trong dạ dày tại BV Nhi Đồng 1 - ảnh: ANH THƯ
Một bệnh nhi mắc chứng nghiện ăn tóc dẫn đến phải phẫu thuật loại bỏ búi tóc lớn trong dạ dày tại BV Nhi Đồng 1 - ảnh: Anh Thư

Nguyên nhân chưa rõ ràng

ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang cho biết chứng nhổ tóc có các biểu hiện khá đặc trưng: tự nhổ tóc/lông của mình; chối bỏ hành vi nhổ tóc/lông - trẻ em thường thực hiện lén khi không có người lớn; nhổ lông/tóc từ người hoặc vật khác, như các vật nuôi hoặc những đồ vật có dạng sợi; né tránh các tình huống xã hội (để được nhổ tóc riêng tư và không bị xấu hổ); gia tăng mức độ stress hay lo âu; than phiền về các triệu chứng dạ dày, ruột. Trên những người mắc chứng nhổ tóc, thường thấy thêm chứng ăn tóc (trichophagia), từ đó tạo ra dị vật lông/tóc trong dạ dày, ruột. Những dị vật này làm bệnh nhân đau bụng, nôn ói, táo bón, xuất huyết tiêu hóa và các triệu chứng tắc nghẽn đường ruột khác.

Bệnh được chẩn đoán khi hành động nhổ tóc bị lặp lại nhiều lần, dẫn đến mất tóc, có khi người bệnh cố cưỡng lại mà không được và gây ảnh hưởng đến cuộc sống, các mối quan hệ của bệnh nhân. Cũng cần loại bỏ nguyên nhân mất tóc do bệnh lý nội khoa hay bứt tóc do các bệnh lý tâm thần khác. Ở trẻ nhỏ, bệnh có tiên lượng tốt và được xem như một rối loạn thói quen trong thời gian ngắn. Ở trẻ lớn và vị thành niên, bệnh cũng được tiên lượng tốt song cần chú ý cảnh giác. Ở người lớn, bệnh có tiên lượng kém và thường không hồi phục.

Nguyên nhân của bệnh đến nay chưa thật rõ ràng nhưng có những giả thuyết sau: cơ chế ứng phó với stress; thói quen vô hại được phát triển từ một hiện tượng cảm giác (như ngứa lông mi), sau đó tăng nặng và không cưỡng lại được, đồng thời xuất hiện với những hành vi thói quen khác ở trẻ nhỏ (như mút ngón tay); liên quan với tình trạng thiếu serotonin và bất thường cấu trúc bộ não; do có các gien nhạy cảm, chứng nhổ tóc thường xảy ra trên người có rối loạn ám ảnh cưỡng chế và những người có bà con gần nhất của họ; do các yếu tố tâm lý (một số giả thuyết cho rằng việc nhổ tóc ở trẻ em có thể làm giảm stress, điều hòa cảm xúc và kích thích cảm giác); có quan hệ đến bệnh lý thoái hóa thần kinh như Parkinson hoặc sa sút trí tuệ ở người già.

Cần điều trị sớm, đúng chuyên khoa

Theo ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, để loại bỏ chứng nhổ tóc và ngăn chặn triệt để các hậu quả của nó, bệnh nhân cần được bác sĩ chuyên khoa điều trị sớm ngay sau khi phát hiện. Việc điều trị chứng nhổ tóc chủ yếu là can thiệp hành vi. Bên cạnh đó, có thể dùng một số thuốc tâm thần đặc trị. Trong quá trình trị liệu, bệnh nhân cũng được khuyến khích tập thể dục và tham gia một số hoạt động để giảm stress.