Một loại tế bào gốc mới được phát hiện là góp phần hình thành đốt xương sống, nhưng cũng thúc đẩy sự phát triển của các khối u di căn đến xương sống.
Phát hiện được được công bố ngày 13/9 trên tạp chí Nature. Một số bệnh ung thư - bao gồm ung thư vú, tuyến tiền liệt và phổi - thường dễ di căn đến cột sống hơn thay vì các cơ quan khác. Đến nay, nguyên nhân vẫn là bí ẩn. Một lý thuyết từ những năm 1940 nói rằng những hành vi gây tác động mạnh như ho có thể đảo ngược dòng máu trong giây lát và đẩy các tế bào ung thư vào vùng lân cận cột sống, nơi chúng hình thành các khối u mới.
Ý tưởng này “vẫn là giáo điều cổ điển được dạy trong các trường y”, theo Matthew Greenblatt, nhà nghiên cứu bệnh học tại Weill Cornell Medicine (New York, Mỹ), đồng tác giả nghiên cứu mới.
Xương sống là đặc trưng duy nhất của động vật có xương sống, và đốt xương sống không mang một số protein thường thấy ở xương. Những đặc điểm này khiến Greenblatt và các đồng nghiệp nghi ngờ rằng xương sống hình thành thông qua một cơ chế khác với các xương khác.
Quét đốt sống trên cho thấy ung thư lây lan từ khối u vú (màu minh hoạ).
Khi nghiên cứu trên chuột, các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm của Greenblatt đã phân lập được tế bào gốc từ đốt xương sống và tế bào gốc từ những xương dài, chẳng hạn như xương đùi. Họ phát hiện rằng các tế bào gốc từ 2 vị trí này biểu hiện các bộ gen khác nhau rõ rệt. Khi được đưa vào cơ thể chuột, các tế bào được phân lập từ đốt xương sống tạo ra thế hệ "con cháu" tương đồng với nhiều loại tế bào ở xương sống. Bằng chứng này khiến họ kết luận rằng họ đã phát hiện ra tế bào gốc xương đốt sống (vSSC).
Nhóm Greenblatt đã "cho thấy rõ ràng rằng các vSSC và tế bào gốc xương dài rất, rất khác nhau”, theo Noriaki Ono, nhà sinh vật học xương tại Trung tâm Khoa học Y tế Đại học Texas (Mỹ), người đã cung cấp chuột cho nghiên cứu nhưng không tham gia nghiên cứu.
Đến nay, nhiều nhà khoa học vẫn coi tất cả xương là cùng một cơ quan, Xiang Zhang, nhà sinh học ung thư tại Đại học Y Baylor ở (Mỹ), cho biết. “Nghiên cứu này đưa hiểu biết của chúng ta lên một tầm cao mới", Zhang nói.
Sau phát hiện này, nhóm Greenblatt tự hỏi liệu loại tế bào gốc mới có thể giải thích một số kiểu di căn ung thư đến nay chưa giải thích được hay không. Nhóm nghiên cứu tập trung vào một loại protein có tên MFGE8 được sản sinh từ các vSSC. Trong các thí nghiệm trên chuột, việc xóa gen sản sinh ra MFGE đã làm giảm khoảng 2/3 khả năng các tế bào ung thư lây lan sang cột sống.
Các nhà nghiên cứu đã phân lập vSSC từ những người trải qua phẫu thuật cột sống và phát hiện ra rằng vSSC tiết ra MFGE8 có nhiều khả năng tương tác với các tế bào ung thư hơn so với vSSC không tiết ra MFGE8. Ono cho rằng một loại protein có lẽ không thể giải thích được toàn bộ hiện tượng một số loại ung thư có xu hướng di căn sang cột sống, nhưng MFGE8 dường như là một thành phần quan trọng.
Nguồn: