Một nghiên cứu theo thời gian của Đại học Genoa và Viện Giannina Gaslini, Ý cho thấy tỷ lệ mắc chứng dậy thì trung ương sớm không rõ nguyên nhân (ICPP) đã tăng trong đại dịch COVID-19 so với 4 năm trước.

Theo nghiên cứu tiến hành ở Ý, trong 2 năm vừa qua, số trẻ gái được đưa tới bác sĩ nội tiết nhi khoa vì chứng ICPP đã tăng đáng kể. Đặc trưng của ICPP là sự phát triển núm vú ở trẻ gái và tinh hoàn lớn hơn ở trẻ trai trước tuổi lên 8.

Hiện chưa biết rõ nguyên nhân gây ra ICPP, tuy nhiên trước đây các bác sĩ từng quan sát thấy tình trạng này liên quan đến tăng cân và trạng thái căng thẳng. Trong đại dịch, nhiều trẻ em đã phải chịu những thay đổi đáng kể về lối sống, gồm giảm vận động và giao tiếp xã hội. Những thay đổi căn bản này có thể đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ, song hiện chưa có nhiều số liệu làm bằng chứng.

Các nhà nghiên cứu cũng đã cho thấy COVID-19 liên quan đến một loạt các bệnh về nội tiết, trong đó có chứng béo phì. Do đó, họ giả định rằng những tác động thể chất của giai đoạn đại dịch có thể đã góp phần làm tăng số ca ICPP.

Để tìm hiểu, họ so sánh tỷ lệ mắc ICPP ở các bé gái tại Ý trước và sau đại dịch COVID-19. Đồng thời, họ đo đạc nhiều thay đổi về lối sống diễn ra trong thời gian này, như thay đổi về chỉ số khối cơ thể (BMI), mức độ vận động và thời gian dùng điện thoại, máy tính, ti vi.

Lối sống thay đổi trong thời kỳ đại dịch diễn ra cũng góp phần gây ra tình trạng dậy thì sớm. Nguồn: Melissa Askew
Lối sống thay đổi trong thời kỳ đại dịch diễn ra cũng góp phần gây ra tình trạng dậy thì sớm. Nguồn: Melissa Askew

Qua hồ sơ y tế hồi quy từ Khoa nội tiết nhi khoa của Đại học Genoa, nhóm nghiên cứu đã phát hiện 72 trường hợp ICPP ghi nhận từ tháng 1/2016 tới tháng 3/2020, và 61 trường hợp giữa tháng 3/2020 và tháng 6/2021. Điều này tương đương với tỷ lệ mắc trong đại dịch COVID-19 tăng 1,3 lần, tức 4 ca mới mỗi tháng.

Khi phân tích mối liên hệ giữa các thay đổi về lối sống do đại dịch và tỷ lệ mắc ICPP, các nhà nghiên cứu nhận thấy các bé gái được chẩn đoán mắc chứng này trong đại dịch có xu hướng đạt chỉ số BMI cao hơn so với những em được chẩn đoán trước đại dịch.

Họ cũng nhận thấy có sự giảm đáng kể về mức độ vận động: 88,5% bé gái được chẩn đoán mắc ICPP trong đại dịch đã dừng hẳn mọi loại hoạt động thể chất. Các ca được chẩn đoán mắc ICPP trong đại dịch cũng đi kèm với trung bình 2 tiếng sử dụng thiết bị điện tử mỗi ngày.

Đồng thời, nhóm nghiên cứu chỉ ra một số yếu tố nguy cơ khác có thể được tìm hiểu thêm trong tương lai, bao gồm vai trò của trạng thái căng thẳng, sự cách ly xã hội, tăng mâu thuẫn với cha mẹ, điều kiện kinh tế và việc tăng sử dụng chất diệt khuẩn tay và bề mặt.

Kết quả nghiên cứu giúp đưa ra những phương cách cần áp dụng để bảo vệ trẻ em trong tương lai. Các nhà nghiên cứu cho biết mặc dù số liệu chỉ ra rằng việc tăng chỉ số BMI, sử dụng thiết bị điện tử và giảm vận động là các yếu tố có khả năng góp phần gây ra ICPP, nhưng cần có các nghiên cứu ngắn hạn và dài hạn khác để đưa ra kết luận chắc chắn.

Ngoài ra, cũng chưa thể loại trừ khả năng đây là hệ quả của sự thích nghi sinh học. Cũng cần chú ý là nghiên cứu được thực hiện tại Ý, vì thế kết quả không thể được suy rộng ra cho các nhóm đối tượng khác.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of the Endocrine Society.

Nguồn: