Niêm mạc ruột là tuyến phòng thủ đầu tiên giúp hệ tiêu hóa chống lại vi khuẩn có hại, nhưng một nghiên cứu mới của Úc chỉ ra rằng nó cũng có thể giúp chống chọi với các bệnh liên quan đến não.

PGS. TS. Elisa Hill-Yardin trong phòng thí nghiệm của Đại học RMIT, Úc
PGS. TS. Elisa Hill-Yardin trong phòng thí nghiệm của Đại học RMIT, Úc

Từ trước tới nay, việc mất cân bằng vi khuẩn đường ruột được coi là có mối liên hệ với bệnh Alzheimer, tự kỷ và các bệnh về não khác. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác định.

Gần đây, một nghiên cứu tổng hợp do Đại học RMIT (Úc) dẫn đầu đã đánh giá 113 nghiên cứu về thần kinh, đường ruột và vi trùng học và chỉ ra được mối liên hệ chung giữa chúng – đó là những thay đổi trong niêm mạc ruột.

Kết quả này được công bố trên tạp chí Frontiers in Cellular and Infection Microbiologycuối tháng 5/2020 với tiêu đề "The role of the gastrointestinal mucus system in intestinal homeostasis: implications for neurological disorders” (tạm dịch: Vai trò của hệ niêm mạc ruột trong cân bằng nội môi đường ruột: Ứng dụng cho các bệnh về thần kinh)

PGS.TS. Elisa Hill-Yardin thuộc Đại học RMIT và là tác giả liên hệ của nghiên cứu, cho biết những thay đổi trong niêm mạc đường ruột có thể góp phần vào mất cân bằng vi khuẩn và khiến các triệu chứng chính của bệnh thần kinh trở nên nghiêm trọng hơn.

Niêm mạc là lớp bảo vệ quan trọng giúp cân bằng lợi khuẩn và hại khuẩn trong đường ruột, nhưng cần cân bằng đúng liều lượng – không quá ít hay quá nhiều. Trong ruột non, niêm mạc thường xốp hơn, do đó có thể dễ dàng hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn. Trong khi ở ruột già, lớp niêm mạc thường dày hơn, vi khuẩn khó xâm nhập được. Các lớp niêm mạc chứa đầy axit amin có khả năng giết chết vi khuẩn nhưng chúng cũng có thể nuôi sống một số loại vi khuẩn trong đó.

“Các nhà nghiên cứu từng chỉ ra rằng thay đổi trong niêm mạc ruột ảnh hưởng đến cân bằng vi khuẩn trong đường ruột nhưng đến giờ chưa ai liên hệ nó với não bộ. Nghiên cứu của nhóm chúng tôi cho thấy người bị tự kỷ, mắc bệnh Parkinson, Alzheimer và đa xơ cứng có chủng vi khuẩn trong niêm mạc ruột khác với người khoẻ mạnh, và số lượng lợi khuẩn và hại khuẩn cũng khác”, PGS. TS. Elisa Hill-Yardin chia sẻ.

Trong nghiên cứu tổng hợp này, các nhà khoa học đã chỉ ra mối quan hệ 2 chiều. Việc suy giảm lớp niêm mạc ruột bảo vệ có thể khiến bệnh nhân mắc các chứng bệnh thần kinh dễ gặp vấn đề về tiêu hóa hơn. Ngược lại, những rối loạn chức năng tiêu hóa nặng có thể khiến triệu chứng của các bệnh thần kinh trở nên nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của họ và gia đình.

Theo nhóm nghiên cứu, mối liên hệ đường ruột - não bộ này sẽ mở ra một hướng hoàn toàn mới để tìm cách chữa trị các bệnh về não tốt hơn, thông qua việc nhắm đến đường ruột - cơ quan được gọi là "bộ não thứ hai" của con người.

“Nếu có thể hiểu vai trò của niêm mạc ruột trong các bệnh lý về não, chúng ta có thể xây dựng phác đồ điều trị khai thác chính xác mối liên hệ ruột-não này. [...] Kết quả của chúng tôi cho thấy việc sử dụng công nghệ vi sinh và cải thiện niêm mạc ruột để thúc đẩy lợi khuẩn có tiềm năng trở thành một phương thức chữa trị các bệnh về thần kinh”, PGS. TS. Elisa Hill-Yardin nói thêm.

Nguồn: