Nguyên nhân dẫn đến trạng thái hoảng loạn của con người là do tín hiệu giữa các khu vực của bộ não xung đột với nhau, đồng thời hạch hạnh nhân – trung tâm cảm xúc của bộ não – ở trong tình trạng quá tải.

Người dân mua tích trữ hàng hóa bao gồm giấy vệ sinh và nước rửa tay tại một cửa hàng ở Virginia (Mỹ). Ảnh: Win McNamee.
Người dân mua tích trữ hàng hóa bao gồm giấy vệ sinh và nước rửa tay tại một cửa hàng ở Virginia (Mỹ).

Từ lúc dịch bệnh Covid-19 lan rộng khắp thế giới, chúng ta bắt đầu hiểu biết và chú tâm nhiều hơn đến khoảng thời gian dùng hết một cuộn giấy vệ sinh, lọ nước rửa tay, hoặc một chiếc khẩu trang. Khi số lượng bệnh nhân nhiễm Covid-19 ngày càng tăng lên, các quốc gia và vùng lãnh thổ đã cấm tập trung đông người và đóng cửa những cơ sở kinh doanh không cần thiết để thực hiện chính sách cách ly xã hội, hay giãn cách xã hội. Những tình huống bất ổn này có thể thúc đẩy hiện tượng “mua tích trữ do hoảng loạn”, khiến các kệ hàng trống rỗng nhanh hơn chúng có thể được bổ sung.

Mua tích trữ do hoảng loạn là cách mà con người từng đối phó với những diễn biến khó lường của dịch bệnh, ít nhất kể từ đại dịch cúm Tây Ban Nha vào năm 1918 – khi người dân ở Baltimore đổ xô đến các cửa hàng thuốc để mua bất cứ thứ gì có thể ngăn ngừa cúm hoặc làm giảm các triệu chứng của bệnh – cho đến dịch SARS bùng phát năm 2003.

“Khi bạn nhìn thấy các phản ứng cực đoan, đó là do mọi người có cảm giác như sự sống còn của họ đang bị đe dọa, và họ cần làm gì đó để cảm thấy mọi chuyện vẫn trong tầm kiểm soát”, Karestan Koenen, giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng T.H. Chan thuộc Đại học Harvard, cho biết.

Nhưng chính xác thì điều gì khiến chúng ta hoảng sợ, và làm thế nào chúng ta có thể giữ bình tĩnh trong thời gian căng thẳng như đại dịch? Nó phụ thuộc vào cách thức các khu vực khác nhau của bộ não phối hợp hoạt động.

Sự sống còn của con người phụ thuộc vào cả nỗi sợ hãi và lo lắng. Hai yếu tố này giúp chúng ta phản ứng ngay lập tức khi gặp phải mối đe dọa, ví dụ một con sư tử đang tiến lại gần. Tình trạng hoảng loạn xảy ra khi các phần khác nhau của bộ não phối hợp không tốt với nhau.

Koenen giải thích rằng hạch hạnh nhân (amygdala), trung tâm cảm xúc của bộ não, muốn chúng ta thoát khỏi tình huống nguy hiểm ngay lập tức, và nó không quan tâm đến cách chúng ta tránh con sư tử. Trong khi đó, phần võ não phía trước [khu vực trán] – nơi điều khiển các phản ứng hành vi – bắt đầu phân tích chúng ta phải đối phó với con sư tử như thế nào. Trong tình huống sợ hãi, vỏ não phía trước thay vì “trao đổi” trực tiếp với các phần của bộ não giỏi lập kế hoạch và đưa ra quyết định, nó có thể bị xáo trộn bởi các tín hiệu giao tiếp chéo giữa các phần khác của não đang xác định những kịch bản có thể xảy ra, chẳng hạn như chúng ta sẽ trở thành bữa tối của con sư tử như thế nào.

Các tín hiệu não xung đột, đồng thời hạch hạnh nhân ở trong tình trạng quá tải là nguyên nhân dẫn đến hoảng loạn. “Cơn hoảng loạn xảy ra khi phần não lý trí hơn của bạn [vỏ não phía trước] bị tràn ngập bởi yếu tố cảm xúc”, Koenen nói. “Nỗi sợ hãi của bạn lớn đến mức hạch hạnh nhân chiếm quyền kiểm soát, và hormone adrenaline bắt đầu được giải phóng.”

Lo lắng là một sự thích nghi của bộ não con người trong quá trình tiến hóa, cho phép chúng ta lập kế hoạch cho các mối đe dọa tiềm tàng. Trong ảnh là hàng trăm người đang xếp hàng vào một cửa hàng mua sắm ở California (Mỹ) vào ngày 14/3 để chuẩn bị cho đại dịch Covid-19. Ảnh: Mario Tama .
Lo lắng là một sự thích nghi của bộ não con người trong quá trình tiến hóa, cho phép chúng ta lập kế hoạch cho các mối đe dọa tiềm tàng. Trong ảnh là dòng người xếp hàng vào một siêu thị ở California (Mỹ) hôm 14/3 để chuẩn bị cho đại dịch Covid-19.

Trong một số trường hợp nhất định, hoảng loạn có thể cứu sống chúng ta. Khi chúng ta ở trong những tình huống nguy hiểm cận kề – ví dụ như sắp bị sư tử vồ hoặc xe hơi đâm vào – hoảng loạn giúp chúng ta đưa ra quyết định ngay lập tức là chiến đấu, chạy trốn hoặc co rúm lại. Chúng ta có lẽ cũng không muốn bộ não của mình dành quá nhiều thời gian để suy nghĩ, cân nhắc xem phải làm gì trong trường hợp này.

Tuy nhiên, hạch hạnh nhân chi phối bộ não có thể đi kèm với những hạn chế nghiêm trọng. Trong tác phẩm “The Nature and Conditions of Panic” xuất bản năm 1954, nhà xã hội học Enrico Quarantelli đã thực hiện một nghiên cứu đột phá về cách con người cư xử trong thảm họa. Quarantelli kể chuyện một người phụ nữ nghe thấy tiếng nổ và chạy trốn khỏi nhà do nghĩ rằng có một quả bom rơi trúng. Cho đến khi nhận ra vụ nổ xảy ra phía bên kia đường phố, cô mới nhớ đã bỏ quên con mình ở trong nhà.

Hoảng loạn không giúp gì nhiều nếu chúng ta phải đối mặt với các mối đe dọa lâu dài. Do đó, điều cần thiết là vỏ não phía trước chiếm lại quyền kiểm soát. Nó cảnh báo cho bạn về mối đe dọa, đồng thời vẫn dành thời gian để đánh giá rủi ro và lên kế hoạch hành động.

Nhưng cùng bị tràn ngập bởi các thông tin và thông điệp truyền thông trong đại dịch Covid-19, thì tại sao một số người tích trữ giấy vệ sinh và nước khử trùng tay, trong khi những người khác phớt lờ các rủi ro và tụ họp đông người.

Con người không giỏi trong việc đánh giá rủi ro khi đối mặt với tình huống bất ổn. Chúng ta có thể đánh giá quá cao hoặc đánh quá thấp những nguy cơ của dịch bệnh, Sonia Bishop, phó giáo sư tâm lý học tại Đại học California-Berkeley (Mỹ), nhận định. Thông điệp không nhất quán giữa các chính phủ, phương tiện truyền thông và cơ quan y tế công cộng có thể làm gia tăng sự lo lắng của người dân.

“Chúng ta không quen sống trong những hoàn cảnh mà khả năng xảy ra các sự kiện thay đổi nhanh chóng”, Bishop nói.

Khi con người không có khuôn mẫu nào để xử lý một mối đe dọa, họ sẽ nhớ lại các ví dụ từ quá khứ hoặc giả định khả năng có thể xảy ra trong tương lai, và đó là nơi thành kiến cá nhân được bộc lộ. Ví dụ, khi chúng ta nghe hoặc đọc về một điều gì đó rất nhiều – chẳng hạn một vụ tai nạn máy bay – chúng ta dễ tưởng tượng chính mình trong một chiếc máy bay bị rơi, đồng thời đánh giá quá cao rủi ro của việc đi máy bay.

Một số người có khuynh hướng lạc quan hoặc bi quan quá mức. Những người bi quan có thể không ngừng lo lắng, tưởng tượng ra tất cả các kịch bản của “ngày tận thế”. Những người lạc quan lại có xu hướng tin rằng sẽ không có điều gì xấu xảy ra. Ngay cả khi rơi vào một trong những nhóm dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh, họ vẫn lạc quan tự nói với chính mình rằng họ quá khỏe mạnh để chết vì Covid-19.

Nhưng dù cư xử theo thái cực nào, hầu hết chúng ta đang trải qua một vấn đề khác: lo lắng cấp tính. Khi đối mặt với thảm họa, một chút lo lắng có thể giúp chúng ta có thêm động lực, nâng cao sự cảnh giác và mức năng lượng. Trong đại dịch Covid-19, sự lo lắng thúc đẩy chúng ta thường xuyên rửa tay, chú ý hơn đến tin tức, và thậm chí mua dự trữ các nhu yếu phẩm tại cửa hàng tạp hóa.

Tuy nhiên, nếu chúng ta phải lo lắng quá nhiều trong thời gian dài, bộ não dễ rơi vào tình trạng hoảng loạn. Một số nghiên cứu cho biết, tình trạng căng thẳng mãn tính làm thu nhỏ các phần của bộ não giúp chúng ta suy luận, và điều này có thể làm tăng thêm sự hoảng loạn.

Nguồn:

https://www.nationalgeographic.com/history/reference/modern-history/why-we-evolved-to-feel-panic-anxiety/