Một nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra rằng, các chủng virus cúm mà con người từng bị nhiễm khi còn nhỏ có thể ảnh hưởng đến khả năng tự vệ của họ trước các chủng cúm khác sau này.
Virus cúm H1N1. Ảnh: NIAID
Theo các nhà khoa học, hầu hết mọi người đều bị nhiễm virus cúm lần đầu tiên ở tuổi lên năm. Sau đó, chúng ta tiếp xúc và nhiễm thêm một số virus khác trong suốt cuộc đời của mình sau này.
Trước đây, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phản ứng kháng thể của một người đối với một chủng virus cúm cụ thể có thể được tăng cường nhờ vào việc lây nhiễm các loại virus khác. Còn trong nghiên cứu mới này, mục đích của các nhà khoa học là tìm hiểu xem, liệu việc một người mắc phải một chủng cúm nào đó lúc còn nhỏ có thể ảnh hưởng đến khả năng chống lại các virus khác sau này hay không.
Để tìm ra câu trả lời, nhóm nghiên cứu - gồm các nhà khoa học ở Đại học Pennsylvania, Đại học Pittsburgh, Trung
tâm Chẩn đoán và Tham khảo Quốc gia Nicaragua, và Đại học Michigan - đã tiến hành thí nghiệm trên những con chồn sương và mẫu máu của người với hai chủng cúm phổ biến là H1N1 và H3N2.
Đầu tiên, những con chồn hoặc các mẫu máu được cho lây nhiễm một trong hai chủng cúm nói trên sau đó lại cho lây nhiễm chủng cúm còn lại. Nhóm nghiên cứu cũng làm như vậy với mẫu máu của những người từng mắc một hoặc nhiều chủng cúm khác khi còn bé.
Kết quả là, nếu một người đã nhiễm H1N1 - chủng cúm gây đại dịch năm 2009 - thì các kháng nguyên có trong máu sẽ giúp người này tự vệ thành công trước chủng H3N2. Tuy nhiên, kết quả này không đúng ở chiều ngược lại, người mắc H3N2 trước đó không hề cho thấy có khả năng tự vệ tốt hơn với H1N1.
Những phát hiện này đã giúp các nhà nghiên cứu kết luận rằng, chủng cúm mà một đứa trẻ mắc phải có thể tác động đến khả năng tự vệ của cơ thể với các chủng virus cúm khác khi đứa trẻ đó lớn lên.
Theo nhóm nghiên cứu, nguyên nhân là do những lần mắc bệnh của đứa trẻ đã giúp hình thành phản ứng miễn dịch trí nhớ - cơ sở đằng sau thuật ngữ có tên là “Sự nhầm lẫn trong nhận biết kháng nguyên đích” (Original Antigenic Sin).
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences.
Nguồn:
Mỹ Hạnh dịch