Theo WHO, chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2014 đã ghi nhận gần 56.000 trường hợp mắc sởi tại 75 quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, bệnh sởi đã cướp đi sinh mạng của 114 người. Chúng ta hoàn toàn có thể đẩy lùi căn bệnh này.

1. Nguyên nhân gây ra bệnh sởi

Bệnh sởi do virus sởi gây ra, đây là một loại virus thuộc chi Morbilivirus nằm trong họ Paramyxoviridae. Những virus này lây lan qua đườn hô hấp. Chúng có nhiều trong các dịch mũi, họng, kết mạc của bệnh nhân. Virus có thể từ người bệnh lây lan qua người lành và nhân lên nhanh chóng trong các tế bào đường hô hấp và hạch bạch huyết. Từ đây, chúng sẽ xâm nhập vào máu của người mới nhiễm.

2. Triệu chứng của bệnh

Những nốt Koplik trong niêm mạc miệng.
Những nốt Koplik trong niêm mạc miệng.

Sau khi bị nhiễm virus, người bệnh sẽ có khoảng 10-12 ngày ủ bệnh. Sau đó là thời kì khởi phát với những dấu hiệu viêm đường hô hấp trên như chảy nước mũi, ho, hắt hơi, đỏ mi mắt, sốt nhẹ...

Những nốt phát ban của bệnh sởi.
Những nốt phát ban của bệnh sởi.

Tiếp theo, bệnh nhân sẽ xuất hiện các nốt Koplik ở bên trong niêm mạc má, miệng. Cuối cùng là giai đoạn sởi điển hình, bệnh nhân sẽ bị phát ban từ trên xuống dưới sau 5-6 ngày. Sau đó, các nốt ban sẽ mất dần cũng theo chiều từ trên xuống dưới.

3. Biến chứng của bệnh sởi

Viêm phổi, một biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi. Ảnh minh họa.
Viêm phổi, một biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi. Ảnh minh họa.

Bệnh sởi có nhiều biến chứng. Các biến chứng này làm kéo dài thời gian bệnh, ảnh hưởng đến dinh dưỡng của trẻ. Hậu quả là suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng lại là tiền đề cho các bệnh nhiễm trùng phát sinh. Bệnh sởi có những biến chứng nguy hiểm sau đây:

- Viêm phổi, bệnh nhân thường có triệu chứng sốt cao và viêm phế quản do bội nhiễm vi khuẩn. Biến chứng này rất nguy hiểm với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

- Viêm não cấp.

- Viêm tai giữa.

- Viêm xơ chai não bán cấp. Đây là bệnh mãn tính ở não do sởi. Bệnh có thể xuất hiện sau sởi 7-10 năm.

- Các bệnh nhiễm trùng cơ hội như tiêu chảy, viêm giác mạc...

4. Cách phòng bệnh sởi

Tiêm phòng là cách hữu hiệu để phòng bệnh sởi.
Tiêm phòng là cách hữu hiệu để phòng bệnh sởi.

Phương pháp phòng ngừa bệnh sởi thông dụng nhất là tiêm vaccine. Loại vaccine thường dùng hiện nay là vaccine tam liên sởi-quai bị-rubella. Mũi tiêm đầu tiên thực hiện lúc trẻ được 12 đến 15 tháng tuổi. Mũi tiêm nhắc lại có thể thực hiện lúc trẻ được 4-6 tuổi tuy nhiên cũng có thể tiêm nhắc vào bất cứ lúc nào sau mũi thứ nhất 4 tuần. Trẻ không được tiêm nhắc mũi thứ hai nên được tiêm vào lúc 10 đến 12 tuổi.

Ngoài ra, bệnh sởi cũng cần được phòng ngừa bằng cách xử lý chất thải bệnh nhân, cách ly bệnh nhân khi cần thiết.