Sự tồn tại nhiều phản ứng phụ của thuốc hóa học và mức độ kháng kháng sinh ngày càng nghiêm trọng đang ủng hộ cho xu hướng đưa các loại thuốc thảo dược trở lại vị trí chính thống trong y học, để chúng bổ sung một cách hoàn hảo cho những khiếm khuyết của tân dược.

Từ thảo dược đến thuốc tây

Lịch sử chữa bệnh bằng thảo dược cũng lâu đời như chính loài người. Có nhiều bằng chứng - gồm bản thảo viết tay, dấu vết ở các di tích cổ hay các loại thuốc cổ đại - cho thấy con người sớm biết dùng thảo dược để chống lại bệnh tật. “Từ rất sớm, thuốc cổ truyền từ các loại thảo dược như vỏ, hạt, quả hay các bộ phận của cây đã ra đời” - nhà nghiên cứu Biljana Bauer Petrovska cho biết trên tờ Maishahealth.

Bằng chứng bằng văn bản lâu đời nhất được tìm thấy trên một cổ vật của nền văn hóa Sumerian có niên đại 5.000 năm ở Ấn Độ, gồm 12 công thức tạo ra các loại thuốc chữa bệnh từ 250 loại cây, gồm cả cây anh túc.

Đầu thế kỷ 19, các phương pháp phân tích, tổng hợp hóa học giúp các nhà khoa học trích xuất, thêm, bớt các hoạt chất từ cây cỏ. Cuối thế kỷ 19, họ tạo ra các viên thuốc dạng hợp chất từ thực vật và theo thời gian, việc sử dụng thuốc thảo dược giảm đi để nhường chỗ cho tân dược.

Thảo dược được xem là sự bổ sung hoàn hảo cho thuốc Tây. Ảnh: Yourbeautyinbloom

Mặc dù vậy, gần một phần tư các loại dược phẩm được sử dụng hiện nay có nguồn gốc thảo dược. Ban đầu, chúng thuộc về ngành hóa học, sau đó dần chuyên biệt hóa để trở thành ngành dược lý và khoa học lâm sàng. “Ngành nghiên cứu và sản xuất thuốc tây đã đóng góp nhiều hơn bất kỳ yếu tố khoa học nào khác cho sự tiến bộ của y học trong thế kỷ trước” - tờ Maishahealth cho biết.

Vì sao thảo dược giảm sức ảnh hưởng?

Việc sử dụng thảo dược trở thành di sản văn hóa, khoa học của nhiều dân tộc trên thế giới. Thực tế con người sử dụng thuốc từ cây cỏ hàng ngàn năm trước khi xuất hiện thuốc tây cũng đủ nói lên hiệu quả của nó. Vậy tại sao ở nhiều nước - đặc biệt là Tây Âu, việc sử dụng thảo dược chữa bệnh lại ít được coi trọng?

Nguyên nhân là thuốc tây chứa các thành phần cụ thể có hiệu lực và cơ chế hoạt động đã được thử nghiệm lâm sàng ở quy mô lớn, trong khi thảo dược thường chứa hỗn hợp thành phần mà cơ chế hoạt động chưa được kiểm chứng một cách khoa học. Thảo dược chứa nhiều thành phần mà nếu tách riêng thì tác dụng điều trị có thể không đầy đủ, nhưng nếu kết hợp thì hiệu quả rất cao.

Việc chứng minh các loại thảo mộc có hiệu quả như tân dược bằng các phương tiện khoa học vẫn là một thách thức, đặc biệt là khi áp dụng tiêu chí đánh giá của các loại thuốc hoá học hiện tại, vốn được dùng dưới dạng tinh khiết, cô đặc.

Triển vọng lấy lại vị trí chính thống

Thời gian trôi qua, ngày càng có nhiều phương pháp tiếp cận nhằm đưa thảo mộc trở lại vị trí chính thống và phong trào tìm hiểu lợi ích tiềm ẩn của các sản phẩm y tế có nguồn gốc thiên nhiên ngày càng lên cao.

Thêm nữa, thuốc hoá học thông thường mặc dù có hiệu quả cao trong việc chữa nhiều loại bệnh nhưng liên quan đến nhiều phản ứng phụ không mong muốn ở bệnh nhân. Tình trạng vi khuẩn kháng thuốc ngày một nghiêm trọng cũng đang là vấn đề đau đầu của y học, đòi hỏi cách thức tiếp cận mới. Điều đó khiến cho việc xem xét sử dụng thảo dược càng trở nên bức thiết.

Nhiều chuyên gia nhận định, các liệu pháp chữa bệnh từ thảo dược - vốn có lịch sử lâu dài với các tài liệu chi tiết về cả lý thuyết lẫn thực hành - sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị nhiều loại bệnh trong tương lai. Có nhiều lý do để tin rằng nền văn minh hiện nay sẽ tiếp tục tiến bộ trong công nghệ sinh học phân tử và chúng ta sẽ xây dựng được các sản phẩm thảo dược an toàn, hiệu quả hơn mà vẫn duy trì sự không đồng nhất về các phân tử hoặc thành phần của chúng.

Nhiều nhà khoa học tin rằng công nghệ cũng sẽ cho phép áp dụng một số hình thức kiểm tra lâm sàng chuyên biệt theo các quy định ngặt nghèo về y tế và sử dụng phương pháp tiếp cận tiên tiến dựa trên nguy cơ để đánh giá lợi ích điều trị của chúng, giúp thảo dược dễ dàng được chấp nhận hơn.

Sự quan tâm đến các sản phẩm thảo dược ở Mỹ đang tăng lên. Theo số liệu do James Johnson - một nhà phân tích thị trường cấp cao của Tạp chí Nutrition Business Journal ở Boulder, Colorado - cung cấp, doanh thu từ các loại thảo mộc đơn và công thức tổng hợp tăng mạnh từ 4,3 tỷ USD năm 2005 lên 6,9 tỷ USD năm 2015, tức là tăng 60,5% sau 10 năm.