Báo UPI (Mỹ) dẫn một nghiên cứu của ĐH Tokyo (Nhật) cho thấy ngủ trưa quá dài cũng như tình trạng buồn ngủ quá mức vào ban ngày có liên quan đến một vấn đề sức khỏe được gọi là hội chứng chuyển hóa, ảnh hưởng đến sức khỏe tim và có thể gây ra bệnh tiểu đường.
Hội chứng chuyển hóa bao gồm các tình trạng như huyết áp cao, mức cholesterol cao, mức đường huyết cao, lượng mỡ thừa quanh bụng cao.
Các nhà nghiên cứu phân tích 21 nghiên cứu thực hiện trên tổng số hơn 307.000 người. Kết quả cho thấy những người ngủ trưa ít hơn 40 phút không tăng rủi ro bị hội chứng chuyển hóa.
Rủi ro này ở người ngủ trưa hơn 40 phút cao hơn nhiều, tùy theo thời gian ngủ cụ thể. Chẳng hạn, ngủ hơn 90 phút thì rủi ro bị hội chứng chuyển hóa tăng lên 50%.
Nguy cơ bị hội chứng chuyển hóa dẫn tới tiểu đường type 2 của những người ngủ trưa hơn một giờ hoặc thường xuyên buồn ngủ quá mức vào ban ngày tăng lên tới 50%.
Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ dẫn ra được sự liên quan, không giải thích liệu ngủ trưa nhiều có phải là nguyên nhân gây ra hội chứng chuyển hóa dẫn đến các chứng bệnh nguy hiểm như bệnh tim và tiểu đường hay không.
Theo Pháp luật TPHCM