Nhóm nghiên cứu tại ĐH bang North Carolina (Mỹ) và ĐH Massey (New Zealand) đã thí nghiệm thành công việc sử dụng dòi biến đổi gene để chữa lành vết thương trong công trình mới công bố trên bản tin điện tử của tạp chí BMC Biotechnology.
Loại dòi có liên quan là ấu trùng của ruồi xanh Lucilia sericata được dùng trong liệu pháp cắt lọc mô bằng dòi (MDT) để chữa lành vết thương, đặc biệt là đối với những trường hợp lâu lành như vết loét ở chân bệnh nhân đái tháo đường. Trong đó, dòi làm sạch vết thương, loại mô chết và tiết ra nhân tố kháng khuẩn. Phương pháp này đã từng được thực hiện và được Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) cho phép nhưng chưa có thí nghiệm lâm sàng cho thấy rõ quá trình lành vết thương qua MDT.
Lần này, nhóm nghiên cứu cho biến đổi gien để dòi có thể tiết nhiều hơn nhân tố tăng trưởng xuất phát từ tiểu cầu BB ở người (PDGF-BB) - vốn được xem là chất liệu giúp vết thương mau lành do kích thích tế bào tăng trưởng và tồn tại. Họ đã sử dụng các kỹ thuật như gia nhiệt và giảm kháng sinh tetracycline khi nuôi dưỡng dòi, giúp nhận thấy mức độ PDGF-BB trong dòi, tạo điều kiện cho những thí nghiệm lâm sàng tiếp theo.
Theo Người Lao Động