Loài người đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ về nguồn cung cấp protein với tỷ trọng protein thực vật ngày càng lớn. Đây được coi là cuộc cách mạng về chế độ ăn lần thứ hai.

Lượng thịt tiêu thụ liên tục giảm

Cuộc cách mạng về chế độ ăn uống lần thứ nhất diễn ra ở vùng cận sa mạc Sahara của châu Phi, Bắc Phi, Trung Đông và Ấn Độ, với đặc trưng là chuyển sang chế độ ăn giàu chất protein hơn, bắt đầu từ các nguồn cung thực vật, sau đó tăng dần các nguồn động vật - đặc biệt là thịt. Nguồn protein thực vật ngày càng được thay thế bằng protein động vật và nhu cầu về dầu ăn cũng tăng lên.

Công thức chế độ ăn như vậy cũng diễn ra ở nhiều khu vực khác trên thế giới. Tại các nền kinh tế phát triển, chế độ ăn giàu protein động vật thịnh hành trong suốt thế kỷ 20. Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, tình hình đã khác. Mặc dù lượng tiêu thụ thịt vẫn gia tăng ở các nước đang phát triển, nhưng nhu cầu về loại thực phẩm này ở các nước phát triển lại có xu hướng giảm sút mạnh.

Nhu cầu protein thực vật sẽ tăng 43% từ 2010-2030. Ảnh: Phys
Nhu cầu protein thực vật sẽ tăng 43% từ 2010-2030. Ảnh: Phys

Theo số liệu của FAOSTAT (ngân hàng dữ liệu trực tuyến của tổ chức Nông - Lương thế giới - PV), ở các nước Tây Âu, lượng tiêu thụ thịt giảm trung bình 9% từ năm 1990-2009. Còn Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, lượng tiêu thụ thịt của người dân nước này trong năm 2012 cũng giảm 12,2% so với năm 2007 - nhất là các loại thịt như bò và gà.

Trái lại, nhu cầu về tiêu thụ protein thực vật lại không ngừng tăng lên. Một điều tra vào tháng 5/2014 của Packaged Facts cho thấy, 28% số người Mỹ được hỏi đang tìm kiếm các nguồn protein thực vật. Trong khi đó, nghiên cứu của Grandviewresearch.com tiết lộ, nhu cầu về protein thực vật - nhất là ở các nền kinh tế phát triển - chiếm tới 56% tổng nhu cầu về protein trong năm 2013 và tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo.

Quá trình chuyển đổi trên được BIPE & Sofiprotéol - một tổ chức nghiên cứu về lĩnh vực protein thực vật của Pháp - coi là dấu hiệu chứng tỏ một cuộc cách mạng về chế độ ăn lần thứ hai đang diễn ra.

“Đặc trưng của sự dịch chuyển chế độ ăn lần thứ hai này là sự tăng cường tỷ lệ protein thực vật, giảm nhu cầu protein động vật. Xu hướng đó đã diễn ra tại Pháp hơn 10 năm qua. Nhu cầu tăng tiêu thụ protein thực vật cũng đang diễn ra ở Bắc Mỹ” - báo cáo năm 2014 của BIPE & Sofiprotéol tiết lộ. Tổ chức này còn cho biết, xu hướng dịch chuyển đó đang có dấu hiệu diễn ra trên quy mô rộng lớn hơn chứ không chỉ dừng lại ở các nước phát triển.

Nhu cầu protein thực vật bùng nổ

Theo các chuyên gia, sự thay đổi mạnh mẽ kể trên bắt nguồn sâu xa từ nhiều yếu tố, bao gồm cả nhận thức của con người về sức khỏe. “Cuộc dịch chuyển chế độ ăn lần thứ hai xuất phát từ một loạt yếu tố liên quan đến môi trường và xã hội, cũng như việc con người ngày càng nhận thấy tầm quan trọng của một chế độ ăn cân bằng” - BIPE and Sofiprotéol nhận định.

Trong bài phân tích trên tạp chí Nature, các nhà sinh học hàng đầu thế giới chỉ ra, việc tăng cường nguồn protein thực vật sẽ góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực phẩm trước áp lực dân số toàn cầu. Dân số thế giới sẽ đạt đến 9 tỷ người vào năm 2050. Việc tăng cường các trang trại chăn nuôi không thể nào đáp ứng đủ nhu cầu về protein, nếu không tăng cường nguồn protein thực vật. Việc phát triển nguồn protein thực vật còn đảm bảo cả yếu tố bền vững cho môi trường.

Việc chuyển sang chế độ ăn giàu protein thực vật còn được rất nhiều nghiên cứu chứng minh là đem lại các lợi ích lớn về mặt sức khỏe. Mặc dù có hàm lượng axít amin thiết yếu thấp hơn so với protein động vật, nhưng rất nhiều protein thực vật lại chứa nhiều thành phần có thể giúp cơ thể chống lại các bệnh mạn tính và tăng sức đề kháng nói chung. Ăn nhiều protein thực vật còn giúp tránh nguy cơ béo phì, tăng lượng chất xơ, giảm thiểu các nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư và tiểu đường.

Cục Quản lý thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) từng khẳng định, việc tiêu thụ 2g protein đậu nành mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch trong vòng 15 năm. Các khảo sát cho thấy, 41% số người tiêu dùng Mỹ cũng nhận ra điều này.

Trong tương lai không xa, protein thực vật sẽ là một thị trường giá trị cao. “Nhu cầu protein thực vật đang bùng nổ. Chúng tôi đang hướng tới lĩnh vực trị giá nhiều tỷ USD mà nhiều hãng sản xuất đang theo đuổi” - David Janow - Giám đốc điều hành hãng cung cấp protein thực vật Axiom Foods - cho biết.

Tuy nhiên, để cung cấp đủ protein thực vật trong điều kiện biến đổi khí hậu, diện tích đất trồng có hạn và ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa, yêu cầu đẩy mạnh nghiên cứu và đổi mới công nghệ cho ngành trồng trọt là một đòi hỏi cấp thiết.

“Để đảm bảo sẵn nguồn cung cấp protein thực vật phải tăng năng suất cây trồng bền vững. Để đạt được mục tiêu đó, cần tăng cường phát triển các nghiên cứu về hạt giống cây trồng, khuyến khích thương mại dinh dưỡng thực vật và các cây trồng đem lại lợi ích sức khỏe và phát triển đổi mới hệ thống mùa vụ” - Michel Boucly - Phó Giám đốc điều hành BIPE and Sofiprotéol nói.