Khoa học và Phát triển có thể mở thêm chuyên mục về những sáng kiến, phát minh khoa học mới nhất trên thế giới. Nếu làm được như vậy, sau này chỉ cần nghĩ đến những phát minh, sáng kiến mới, độc giả sẽ ngay lập tức nghĩ đến Khoa học và Phát triển.

Đọc các ấn phẩm của Khoa học và Phát triển, tiến sỹ Trần Quang Huy – chuyên gia về lĩnh vực hiển vi, vi phân tích và nano y sinh học, phụ trách nghiên cứu về nano y sinh tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, nhân vật trong bài chân dung “Tiến sỹ Trần Quang Huy và 3 người thầy vô hình” trên số 931 (24/2017) - có một số góp ý với báo:


“Với tư cách là một nhà khoa học, tôi rất ấn tượng với chuyên mục “Lăng kính nhà khoa học” trên ấn phẩm báo in của Khoa học và Phát triển. Đây là chuyên mục rất hay, giúp các nhà khoa học có sự tương tác với bạn đọc thông qua một nội dung, một vấn đề cụ thể nào đó. Đây là điều không phải báo nào cũng có thể làm được.

Với tư cách là người làm báo (tiến sỹ Trần Quang Huy hiện là Phó Tổng biên tập Tạp chí Y học dự phòng - PV), tôi xin có góp ý nhỏ đối với ấn phẩm báo điện tử của các bạn. Báo khoa học có hàm lượng tri thức, tính chuyên môn, chuyên ngành cao nên số lượng độc giả không nhiều như các báo chính trị, xã hội; nhưng đó cũng là lợi thế và nếu biết cách phát huy sẽ tạo nên thế mạnh riêng cho báo.

Khoa học và Phát triển có thể mở thêm chuyên mục về những sáng kiến, phát minh khoa học mới nhất trên thế giới. Có thể đó chỉ là những phát minh, sáng chế rất nhỏ, ví dụ như một loại vắcxin mới nào đó... Những cái mới như vậy rất nhiều, bởi khoa học thế giới luôn chuyển động không ngừng. Nếu làm được như vậy, sau này chỉ cần nghĩ đến những phát minh, sáng kiến mới, độc giả sẽ ngay lập tức nghĩ đến Khoa học và Phát triển và những bài viết này của báo sẽ là nguồn dẫn chính cho cả các báo lớn.