Kẻ thù của “tinh binh”
Các giải vô địch bóng đá châu Âu đã trở lại trong sự mong đợi của cánh mày râu toàn thế giới. Tuy nhiên, nếu bạn muốn làm cha, hãy kiểm soát việc xem bóng đá qua tivi. Nghiên cứu mới đây của Đại học Copenhagen, Đan Mạch khẳng định, những người xem tivi quá 5 giờ/ngày sẽ giảm 1/3 số tinh trùng.
Các chuyên gia đã khảo sát 1.200 nam giới, tìm hiểu tác động của lối sống ngồi nhiều, ít vận động lên khả năng sinh sản của họ. Đối tượng nghiên cứu là các nam thanh niên khỏe mạnh đăng ký nhập ngũ từ năm 2008-2012. Họ được hỏi về thói quen xem tivi và lấy mẫu tinh dịch.
Thói quen xem tivi quá nhiều không có lợi cho sức khỏe nam giới. Ảnh: RD
Kết quả, những người hay xem tivi trong thời gian dài có chỉ số tinh trùng trung bình 37 triệu/ml, trong khi chỉ số này ở người ít xem tivi là 52 triệu/ml. Thông thường, chỉ số tinh trùng dao động trong khoảng 40-300 triệu/ml.
Ngoài ra, những quý ông xem tivi quá nhiều cũng có ít testosterone hơn những người khác. Testosterone là hormone sinh dục nam, rất cần cho việc sản sinh tinh trùng.
Đáng chú ý, những diễn biến này trên người xem tivi lại không hề xuất hiện trên nhóm người ngồi nhiều trước máy tính. Điều này có thể do những người xem tivi quá nhiều thường ít khi thực hiện những bài tập vận động hoặc ăn uống theo thực đơn có lợi cho sức khỏe - những thói quen cần thiết để duy trì sức khỏe sinh sản.
Không chỉ là sức khỏe sinh sản
Trong vòng 20 năm vừa qua, một số công trình nghiên cứu đã chỉ ra xu hướng suy giảm chỉ số tinh trùng đang gia tăng một cách đáng lo ngại. Một số nhà khoa học cho rằng đây là hậu quả của các chế độ ăn nhiều thức ăn nhanh có hàm lượng chất béo cao.
Ngược lại, số khác tin rằng đây là do lượng thuốc tránh thai tồn dư trong nước uống dù chỉ với tỷ lệ rất nhỏ. Một loại hóa chất khác có tên gọi BPA dùng trong một số sản phẩm nhựa cũng nằm trong danh sách tình nghi.
Nghiên cứu mới công bố của các nhà khoa học Đại học Copenhagen đã hé lộ nguyên nhân suy giảm chất lượng tinh trùng có thể chỉ đơn giản là tình trạng lười vận động và thích xem tivi. Kết quả này hoàn toàn trùng hợp về logic với những số liệu đã công bố từ năm 2013 của các nhà khoa học Mỹ, theo đó thói quen vận động 15 giờ mỗi tuần sẽ giúp làm tăng chất lượng tinh trùng của nam giới.
Một nghiên cứu khác gần đây cũng cho thấy, xem tivi quá nhiều làm tăng nguy cơ tử vong do đóng cục máu trong phổi. Tương ứng với mỗi 2 giờ xem tivi, nguy cơ tử vong do bệnh lý dạng này lại tăng thêm 40%. Mặt khác, những người xem tivi nhiều hơn 5 giờ mỗi ngày có nguy cơ tử vong cao gấp đôi so với những người xem ít hơn 2,5 giờ.
Tại Anh, theo kết quả của một cuộc điều tra, gần một nửa số người trưởng thành cho biết họ không hề thực hiện một bài thể dục nào có lợi cho tim mạch; 25% thừa nhận họ chỉ tập thể dục không quá 1 giờ mỗi tuần. Điều này nghĩa là chỉ có một phần tư số người trưởng thành thực sự tích cực tập thể dục dưới dạng chạy bộ, bơi, tập gym hoặc chơi thể thao với thời lượng quá một giờ mỗi ngày.
Bạn là người ngồi nhiều, ít vận động?
Lối sống ngồi nhiều, ít vận động (sedentary lifestyle) phổ biến cả ở các nước phát triển và kém phát triển. Các hoạt động chủ yếu của người theo lối sống này chỉ là ngồi, đọc, tham gia mạng xã hội, xem tivi, chơi trò chơi điện tử hoặc sử dụng máy tính mà rất ít hoặc hoàn toàn không thực hiện các vận động tích cực về thể chất.
Các nhà khoa học từ lâu đã chỉ ra tác hại của sedentary lifestyle. Năm 2012, một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Leicester, Anh đã tổng kết số liệu của 18 công trình nghiên cứu trên tổng cộng gần 800.000 đối tượng tham gia với nội dung liên quan đến tác động của sedentary lifestyle.
Kết quả cho thấy nguy cơ đái tháo đường tăng 112%, nguy cơ gặp phải các bệnh về tim mạch tăng 147%, nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch tăng 90%, nguy cơ tử vong do tất cả các nguyên nhân nói chung tăng 49%. Do vậy, giải pháp duy nhất cho người lười vận động là sớm thoát khỏi tình trạng đó.
Tuy nhiên, hoạt động quá tích cực cũng là nguyên nhân dẫn đến một số rủi ro. Một số môn thể thao - chẳng hạn đạp xe quá nhiều hoặc chạy bộ với quần áo quá chật - cũng có tác động không tốt đến khả năng sinh sản.