Bị dụ dỗ bởi “phần thưởng dopamine”, não của chúng ta ngày càng sa đà vào tình trạng mất tập trung chú ý khi làm việc. Đó là điều mà con người phải đối mặt trong kỷ nguyên công nghệ.
Khả năng tập trung kém cả loài cá
Bạn đã bao giờ lâm vào tình trạng không thể tập trung vào một công việc cụ thể? Thử hình dung cách đây một phút, bạn đang chìm đắm trong việc soạn thảo báo cáo nhưng chỉ một phút sau, bạn thấy mình đang chat facebook và đọc tin lá cải. Trong khi lướt web, bạn tìm được một video hài về chú chó quay tròn để tự đuổi theo chiếc đuôi của chính mình và bật cười tán thưởng.
Quả là một kỹ năng “đa nhiệm” đáng nể. Thế nhưng sau cả ngày mất tập trung, kết quả cuối cùng là bạn không làm ra hồn bất kỳ một việc gì. Thay vì hài lòng với kỹ năng làm nhiều việc cùng lúc, bạn kết thúc một ngày với sự dằn vặt, tự trách mắng bản thân về sự mất tập trung của mình.
Nếu từng ở vào tình trạng như vậy, hãy yên tâm rằng bạn không phải là người duy nhất và mọi chuyện cũng không hoàn toàn do lỗi của bạn.
Nhiều chuyên gia tin rằng não người chưa hề được chuẩn bị để đối phó với mức độ tăng trưởng quá nhanh của những nguồn thông tin gây phân tán tư tưởng từ các thiết bị số đang đổ bộ vào cuộc sống hằng ngày. Cơn bão công nghệ đang khiến chúng ta có cảm giác uể oải và làm việc kém hiệu quả so với thời kỳ trước.
Theo các chuyên gia, hiện tượng mất tập trung do công nghệ sẽ là một vấn đề nghiêm trọng của thế kỷ 21.
Theo báo cáo 2015 của Oxform, một người Anh dành trung bình 9 giờ 53 phút mỗi ngày cho các thiết bị công nghệ - trong đó 239 phút để xem tivi, 183 phút nghe radio, 83 phút dùng điện thoại di động, 65 phút để vào mạng bằng máy tính hoặc laptop và 19 phút để sử dụng điện thoại cố định. Một nửa số thanh niên tuổi từ 18-24 sẽ kiểm tra điện thoại di động của mình trong vòng 5 phút sau khi thức giấc. Một phần ba trong số những người ở độ tuổi từ 25-34 ghé thăm các trang mạng xã hội hoặc ứng dụng mạng xã hội hơn 10 lần mỗi ngày.
Công nghệ đang lấn át tất cả các khía cạnh của cuộc sống con người. Một nghiên cứu của Microsoft tại Canada năm 2015 cho thấy, quãng thời gian tập trung chú ý của con người đã giảm từ 12 giây tại thời điểm đầu thế kỷ 21 xuống chỉ còn 8 giây - nhỏ hơn chỉ số của một con cá vàng. Theo các nhà khoa học, điều đó không đồng nghĩa với việc trí thông minh của con người đã sụt giảm, mà nó phản ánh rằng hiện nay chúng ta lúc nào cũng ở trong tình trạng làm nhiều việc cùng một lúc.
Vòng luẩn quẩn của não
Nhà tâm lý học nhận thức Daniel J. Levitin cho rằng trung bình mỗi ngày, lượng thông tin một người tiếp nhận vào bộ não tương đương với nội dung chứa trong 175 tờ báo. Con số này cao gấp 5 lần so với thế hệ phụ huynh chúng ta cách đây 30 năm. Bộ não của chúng ta tìm kiếm những thông tin mới và với điều kiện sẵn có các thiết bị công nghệ như hiện nay, con người sẽ có xu hướng bị thôi thúc làm nhiều việc cùng một lúc.
Tuy nhiên, các chuyên gia thần kinh cho rằng khả năng thực hiện nhiều việc cùng lúc thực chất chỉ là câu chuyện hoang đường. Cái gọi là “khả năng đa nhiệm” đó không gì khác hơn việc chuyển mục tiêu tập trung từ công việc này sang công việc khác một cách nhanh chóng.
Trên thực tế, việc chuyển mục tiêu tập trung trong thời gian cực nhanh là một hành vi cần đầu tư nhiều về sinh lý thần kinh. Quá trình này cần sử dụng đến glucô ở trạng thái ôxy hóa trong não. Khi sử dụng hết lượng glucô này, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng mệt mỏi, mất định hướng. Đồng thời, lượng hormon cortisol gây stress cũng được giải phóng. Kết quả là quá trình vận hành của bộ não bị tác động theo chiều hướng không tốt.
Ngoài ra, bản chất tự nhiên của não bộ cũng khiến chúng ta dễ bị phân tán tư tưởng khi thực hiện nhiều việc cùng một lúc. Thùy trước não (prefrontal cortex) của con người có đặc điểm “thiên vị cái mới” - nghĩa là luôn tìm đến các thông tin mới. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ra dễ dàng chuyển sự chú ý ngay khi xuất hiện một yếu tố mới lạ. Chẳng hạn, chúng ta rất khó cưỡng lại sức cám dỗ của tiếng buzz phát ra từ ứng dụng nhắn tin hoặc tiếng ping thông báo có email hay comment mới từ facebook.
Trong cơ chế thiên vị cái mới, mỗi khi chúng ta chuyển mục tiêu tập trung chú ý, các hệ thống nằm sâu trong não sẽ tiết ra dopamine và gửi đến các phần của bộ não. Dopamine là chất dẫn truyền thần kinh có vai trò như một “viên kẹo thưởng” nhằm củng cố hành vi tìm kiếm cái mới.
Cuối cùng, chúng ta kẹt trong một cái vòng luẩn quẩn. Mỗi khi đánh mất sự tập trung, bộ não lại gửi ra các tín hiệu dopamine khuyến khích tạo cảm giác thoải mái. Để tiếp tục nhận được “phần thưởng dopamine”, chúng ta lặp lại các hành vi tìm kiếm cái mới, cũng chính là củng cố thói quen mất tập trung trong công việc.
Đó chính là cơ chế gây ra hiện tượng “nghiện công nghệ”.