Hoa đèn lồng (hoa bông tai công nương) không chỉ được yêu thích nhờ có giá trị thẩm mỹ cao mà nó còn được dùng làm một vị thuốc Đông y, có tác dụng chủ yếu làm tan máu tụ, giảm đau thấp khớp, sưng viêm, kinh nguyệt không đều, sưng vú sau khi sinh…
Ảnh minh họa.
1. Dụng cụ trồng và đất trồng
Dụng cụ trồng
Hoa đèn lồng thường được trồng trong chậu treo có đường kính trên 10cm. Cây hoa đèn lồng ưa bóng mát nên cần che bóng râm cho cây vào mùa Xuân và mùa Hè. Nhiệt độ thích hợp để cây phát triển là từ 20 - 26 độ C.
Đất trồng
Đất trồng hoa đèn lồng phải giàu mùn, tơi xốp, giàu chất dinh dưỡng... Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ… Nên bón lót với vôi rồi phơi ải từ 15 - 20 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất.
Ảnh minh họa.
2. Chọn giống và trồng cây
Hoa đèn lồng thường được nhân giống bằng hom. Chọn những hom sát gốc thì tuổi thọ cây sẽ cao hơn hom cành.
Cắt hom dài từ 10 - 13cm, đem cắm ở ở môi trường có nhiệt độ từ 20 - 22 độ C. Khoảng 3 tuần, hom sẽ mọc rễ. Khi ươm phải chú ý giữ ẩm cho ụ đất ươm.
Sau khi cây hoa đèn lồng mọc rễ, đem trồng vào giỏ ươm đã chuẩn bị sẵn. Chú ý tưới nước giữ ẩm và che mát cho cây.
Ảnh minh họa.
3. Chăm sóc
Vào mùa khô, ngày tưới nước 1 lần vào sáng sớm cho cây. Tới mùa mưa chú ý công tác thoát nước để tránh việc cây bị thối, úng.
Sau khoảng 10 - 15 ngày sau khi trồng, bón phân hữu cơ, phân bò, phân dê, phân trùn quế, phân gà hoặc phân DAP pha loãng cho cây. Sau đó cứ khoảng 20 - 30 ngày thì bón đợt tiếp theo.
Ảnh minh họa.
4. Thu hoạch
Khoảng 3 - 4 tháng hoa đèn lồng sẽ trổ bông nếu chăm sóc tốt. Cây đèn lồng thường nở hoa quanh năm nên việc trồng vào giỏ giúp trang trí nhà cửa, hàng quán tiện lợi hơn.
Lương Ngọc (Tổng hợp)