Thược dược là loài hoa được nhiều người yêu thích trồng làm cảnh, trang trí nhà cửa, sân vườn… Loài hoa này được mệnh danh là “hoa tướng” bởi vẻ đẹp của nó được đánh giá là chỉ thua hoa mẫu đơn (hoa vương).

Cây hoa thược dược con. Ảnh minh họa.
Cây hoa thược dược con. Ảnh minh họa.


1. Chuẩn bị dụng cụ trồng và đất trồng

Dụng cụ trồng

Bạn có thể tận dụng bao xi măng, bao tải, chậu, khay, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng hoa thược dược. Lưu ý: Dưới đáy khay đục lỗ để thoát nước.


Hoa thược dược thích hợp trồng ở nhiệt độ khoảng 15 - 30 độ C. Nó là loại cây ánh sáng, ưa ẩm cao, nhưng không chịu được ngập úng.
Đất trồng

Hoa thược dược có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên, cây sẽ phát triển tốt nhất nếu được trồng ở nền mùn, tơi xốp, giàu chất dinh dưỡng...

Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ… Nên bón lót với vôi rồi phơi ải từ 15 - 20 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất.

Cây hoa thược dược. Ảnh minh họa.
Cây hoa thược dược. Ảnh minh họa.

2. Chọn giống và trồng cây

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều giống thược dược khác nhau. Bạn có thể chọn giống trồng tùy thuộc vào sử thích và điều kiện. Thược dược có thể nhân giống bằng cành hoặc củ.

Nhân giống bằng cành (chồi):

Chọn những cành hoặc chồi nách, cành bánh tẻ, không quá già, không quá non, có sức sống khỏe với chiều dài từ 6 - 8cm, có từ 3 - 4 lá xanh tốt, không bị sâu bệnh để đem giâm. Cành to, lá nhiều thì giâm thưa (3 x 3cm); cành nhỏ, ít lá giâm dày hơn (2,5 x 2,5cm); mùa Thu giâm dày hơn mùa Hè.

Cắt cành giâm vào buổi sáng, đem xử lý và giâm ngay để tránh mất nước, cây héo sẽ ảnh hưởng đến ra rễ. Sử dụng các chất kích thích sinh trưởng như IAA, IBA hoặc NAA pha loãng nồng độ từ 25 - 50ppm, nhúng gốc cành vào dung dịch trong 10 - 15 giây để kích thích cây nhanh ra rễ.

Cắm gốc cành sâu 1,5 - 2cm trên nền luống hoặc trong các khay nhựa chuyên dụng có chứa đất sạch. Có thể giâm bằng hai cách: Giâm khô (cắm gốc cành vào cát sạch rồi tưới nước) hoặc giâm ướt (tưới đẫm nước cho cát ẩm rồi giâm cành). Thời gian cho cành giâm ra rễ khoảng từ 10 - 15 ngày tùy theo thời tiết. Thường xuyên tưới đủ nước bằng cách phun sương cho cành giâm nhanh ra rễ. Sau 12 - 15 ngày kể từ khi giâm có thể bứng đem trồng ra vườn được.

Nhân giống bằng củ:

Cho củ vào giữa dụng cụ trồng, lấp lớp đất mỏng rồi tưới nước giữ ẩm cho cây. Đợi sau khi chồi mọc lên khỏi mặt đất trồng, loại hoa to giữ lại một chồi, loại hoa vừa giữ lại 2 chồi, thì ngắt bỏ các chồi còn lại.

Vườn hoa thược dược đủ màu sắc. Ảnh minh họa.
Vườn hoa thược dược đủ màu sắc. Ảnh minh họa.

3. Chăm sóc

Vào mùa khô, ngày tưới nước 1 lần vào sáng sớm cho cây. Tới mùa mưa chú ý công tác thoát nước để tránh việc cây bị thối, úng.

Nhổ cỏ, vun và tưới giữ cho đất luôn đủ ẩm, hạn chế xới đất để tránh đứt rễ.

Ngắt bỏ toàn bộ các chồi trên nhánh non từ lá thứ thư trở lên. Đặt chậu ở vị trí có ánh nắng, rồi tưới nước sau khi bề mặt đất trong chậu đã khô.

Tiến hành cắt tỉa, chỉ giữ lại 2 - 3 nhánh để giúp chồi nách phát triển và có thể ra hoa thêm lần nữa vào mùa Thu. Trong thời gian hoa nở nên bón phân mỗi tháng 1 lần.

Loài hoa này cần được chiếu sáng đầy đủ nhưng tới khi sắp ra hoa thì cần điều kiện bớt sáng và có lạnh để phân hóa chồi hoa, nên để ở nơi không bị thấm sương.

Sau khoảng 10 - 15 ngày sau khi trồng, bón phân hữu cơ, phân bò, phân dê, phân trùn quế, phân gà hoặc phân DAP pha loãng cho cây. Sau đó cứ khoảng 20 - 30 ngày thì bón đợt tiếp theo.

Vườn hoa thược dược. Ảnh minh họa.
Vườn hoa thược dược. Ảnh minh họa.

4. Thu hoạch

Nếu chăm sóc tốt, hoa thược dược sẽ nở hoa sau 50 - 60 ngày sau khi trồng.