Trong khi các đơn vị y tế chính thống nỗ lực truyền tải những thông tin có tính khoa học, thì những tin đồn về tác nhân gây ung thư, những bài thuốc, phương pháp điều trị "thần kỳ", … cũng xuất hiện tràn lan trên mạng.
Nguy hại của tin đồn
Tin đồn gây rất nhiều khó khăn cho các y bác sĩ trong việc khám và điều trị ung thư. Nhiều bệnh nhân do quá tin vào những thông tin trên mạng mà không nghe theo lời khuyên của bác sĩ, dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Trong khi các bác sĩ thường cố gắng giảng giải cho bệnh nhân hiểu về điều trị tiêu chuẩn trong tình huống căn bệnh, với những bằng chứng khoa học nhất, mang lại khả năng thắng lợi cao nhất thì nhiều người bệnh lại nghĩ rằng "tiêu chuẩn" chỉ là kiểu "trung bình", kiểu "đại trà". Và họ muốn phương pháp nào đó đặc biệt hơn, thần kỳ hơn.
Tối 29/4, trong khuôn khổ MedTalks số 3 về chủ đề Ung thư và Tin đồn, các bác sĩ đã giải thích vì sao căn bệnh ung thư lại có nhiều tin đồn xung quanh đến vậy.
Theo các bác sĩ, một trong những lý do là cho đến nay ung thư vẫn là căn bệnh cần được tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu. Bên cạnh đó, các cách điều trị căn bệnh này chưa mang lại hiệu quả như mong muốn; và các bác sĩ/nhân viên y tế không phải lúc nào cũng có đủ thời gian để giải thích cặn kẽ cho người bệnh… Đó là chưa kể, các thông tin về ung thư và phương pháp điều trị nhiều khi được truyền tải bằng những thuật ngữ khó hiểu. Bởi vậy, người bệnh có xu hướng tin vào những thông tin đơn giản, dễ hiểu trên mạng hoặc truyền miệng.
Về tác hại của tin đồn, TS.BS Phạm Nguyên Quý (Khoa Ung thư nội, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren), ThS.BS Phạm Tuấn Anh (Phó Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K) cùng chung quan điểm: Ung thư có thể được phát hiện sớm và có một số loại ung thư đáp ứng tốt với phương pháp điều trị. Nhưng khi nghe theo tin đồn dùng thực phẩm chức năng hay các loại thuốc không chính thống, người bệnh vừa mất tiền oan vừa bỏ lỡ thời gian vàng điều trị.
Trong khi đó, TS.BS Đào Thị Yến Phi - nguyên trưởng Bộ môn Dinh dưỡng, giảng viên chính ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cho biết: những tin đồn thất thiệt về dinh dưỡng trong ung thư khiến nhiều bệnh nhân tuân theo các chế độ dinh dưỡng sai lệch, dễ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, suy kiệt của cơ thể, suy giảm chức năng của các cơ quan, khiến ung thư tiến triển, gây khó khăn cho quá trình điều trị.
Những loại tin đồn thường gặp
Bác sĩ Phạm Tuấn Anh chỉ ra bốn loại tin đồn thường gặp về ung thư mà nếu nghe theo, người bệnh sẽ dễ nảy sinh tâm lý đau buồn, chán nản, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và quá trình điều trị.
Thứ nhất, tin đồn cho rằng “ung thư là bệnh nan y không điều trị được, mắc bệnh ung thư là mang án tử hình”. Theo BS Tuấn Anh, mỗi bệnh nhân là một trường hợp khác nhau. Với các tiến bộ y học ngày nay, có thể chữa khỏi hoặc có thể kéo dài thời gian sống thêm đáng kể, tùy loại ung thư, giai đoạn bệnh và đặc điểm sinh học. Một số loại ung thư có tỉ lệ khỏi bệnh sau hơn 5 năm vượt quá 90% nếu phát hiện ở giai đoạn sớm như ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư đại tràng…
Thứ hai, tin đồn cho rằng “đụng dao kéo sẽ làm bệnh di căn nhanh hơn”. Thực tế, hiện tượng này xảy ra do nhiều nguyên nhân như phẫu thuật thất bại; tai biến phẫu thuật; phẫu thuật quá giai đoạn, quá chỉ định. Hoặc bệnh nhân được phẫu thuật triệt căn thuận lợi, nhưng bệnh vẫn tái phát do đây là bản chất căn bệnh là ác tính, khó tránh khỏi di căn. Hoặc sau khi phẫu thuật triệt căn, bệnh nhân không được điều trị bổ sung một cách bài bản để chữa trị tốt nhất căn bệnh.
Thứ ba, tin đồn cho rằng “ung thư là do nghiệp báo”. Thực tế, ung thư hình thành do các tế bào tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư, gây thương tổn không hồi phục được cho DNA của tế bào. Các tế bào bất thường nhân lên không kiểm soát được, xâm lấn, phá hủy các tổ chức xung quanh và di căn đến nhiều cơ quan khác nhau. Trong đó, một số tác nhân gây ung thư có thể dự phòng được như hút thuốc, uống rượu, lối sống ít vận động, thói quen ăn uống không lành mạnh, sinh hoạt tình dục không an toàn, không tiêm phòng viêm gan B và tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời… Có những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được là tuổi tác, các yếu tố di truyền và rối loạn nội sinh… Với hầu hết bệnh nhân, bác sĩ không thể đưa ra chẩn đoán nguyên nhân vì không thể hồi cứu hết các tác nhân, yếu tố nguy cơ mà người bệnh phơi nhiễm trong toàn bộ đời sống. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường và an toàn thực phẩm là những vấn đề đang góp phần khiến tỷ lệ mắc bệnh ung thư gia tăng nhưng các cá nhân nhỏ lẻ hầu như không thể tự mình giải quyết được.
Thứ tư, tin đồn cho rằng “PET/CT (chụp cắt lớp phát xạ positron) có khả năng phát hiện sớm ung thư”. Thực tế, PET/CT không phù hợp với tiêu chuẩn của xét nghiệm sàng lọc phát hiện sớm vì vai trò chủ yếu của PET/CT là đánh giá giai đoạn ung thư hay mức độ lan tràn của bệnh, đặc biệt là đánh giá di căn, trên bệnh nhân đã có chẩn đoán mô bệnh học ung thư. PET/CT cũng được sử dụng trong đánh giá đáp ứng điều trị và theo dõi tái phát, tiển triển sau kết thúc điều trị. Trên đối tượng chưa có chẩn đoán mô bệnh học ung thư, giá trị của PET/CT rất thấp. Vì vậy, bệnh nhân không nên nghe theo tin đồn mà đi thực hiện PET/CT để phát hiện sớm ung thư, vừa tốn tiền, vừa không đem lại hiệu quả như mong muốn.
Tiếp theo, BS Yến Phi lý giải sự sai lệch trong một số quan điểm về dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư.
Thứ nhất, quan điểm cho rằng bệnh nhân ung thư không nên ăn tinh bột như cơm, bánh mì, khoai... vì đây là nguồn cung cấp nhiều glucose (đường huyết) - dinh dưỡng chủ yếu nuôi dưỡng tế bào ung thư. Thực tế, đường glucose có công thức hóa học là C6H12O6, khi kết hợp với Oxy (O2) sẽ tạo ra khí CO2 cùng với nước và năng lượng. CO2 được cơ thể thải ra qua đường thở, nước được tái sử dụng hoặc thải ra qua đường tiểu, năng lượng thì được cơ thể sử dụng. Nếu thiếu đường glucose, cơ thể bắt buộc phải sử dụng đạm, làm tăng chất thải giàu Nitơ, tăng tải gan thận, gây độc cho cơ thể. Nếu không có đạm, cơ thể phải dùng đến chất béo, làm tăng ketone, toan hóa toàn cơ thể. Nghĩa là, không có đường thì cơ thể sẽ có nhiều chất độc hơn.
Thứ hai, quan điểm cho rằng bệnh nhân ung thư cần tăng cường ăn các thực phẩm kiềm hóa. Nhầm lẫn rất lớn ở đây là, trong cơ thể, nồng độ PH cao hay thấp quá mức đều gây hại, thậm chí có thể gây chết người. Dù ăn hay uống thực phẩm có độ kiềm như thế nào đi chăng nữa, cơ thể vẫn phải giữ độ PH ở mức cân bằng từ 7,34 đến 7,38 để bảo đảm an toàn. Do đó, việc tăng cường sử dụng các thực phẩm kiềm hóa không có nhiều ý nghĩa trong việc chữa trị ung thư.
Thứ ba, quan điểm cho rằng bệnh nhân ung thư chỉ nên ăn chay, ăn thức ăn từ thực vật. Nói một cách đơn giản, khi ăn một trái chuối, thì cơ thể sẽ chuyển hóa trái chuối này thành năng lượng cũng như các thành phần cần thiết khác cho cơ thể. Việc không ăn thức ăn có nguồn gốc động vật không có nhiều ý nghĩa trong việc bảo vệ tế bào của cơ thể. Chưa kể, thức ăn có nguồn gốc động vật sẽ cung cấp một số chất dinh dưỡng thiết yếu mà thức ăn thuần túy từ nguồn thực vật không thể chuyển hóa thành.
Thứ tư, quan điểm bệnh nhân ung thư nên ăn thực phẩm thô, sống. Con người bắt đầu tiến hóa khi tìm ra lửa và nấu chín thức ăn. Việc nấu chín thức ăn giúp chúng ta tiêu hóa dễ dàng hơn. Chưa kể, nếu bị ung thư hệ tiêu hóa, thì việc ăn các thức ăn sống, thô gây chà xát liên tục, dẫn đến tổn thương, kích thích tế bào ung thư phát triển.
Thứ năm, quan điểm nhịn ăn để bỏ đói tế bào ung thư. Thực tế, quan sát một tế bào ung thư sẽ thấy số lượng mạch máu nuôi dưỡng nó lớn hơn rất nhiều so với tế bào bình thường. Bởi vậy, khi nhịn ăn, các tế bào bình thường sẽ chết đói trước tiên chứ không phải là tế bào ung thư.
Theo BS Yến Phi, chế độ ăn uống cần dựa trên cơ chế sinh lý của tế bào, đa dạng nguồn thực phẩm để cung cấp đầy đủ năng lượng, nguồn dưỡng chất giúp cơ thể khỏe mạnh, đủ sức để đáp ứng quá trình điều trị chống lại bệnh tật.
Tìm thông tin đúng ở đâu?
Theo BS Phạm Nguyên Quý, người bệnh cần nhớ rằng, người nắm nhiều thông tin nhất là bác sĩ phụ trách điều trị cho mình. Vì vậy hãy liệt kê tất cả các câu hỏi và hỏi các câu hỏi quan trọng nhất trước tiên trong quá trình gặp gỡ, trao đổi với bác sĩ. Cũng cần cung cấp đầy đủ các thông tin để có được lời khuyên tốt nhất.
Khi tìm thông tin trên mạng, phải hiểu rằng, độ xác thực của thông tin phụ thuộc vào tác giả (tên, chức danh, chuyên môn…), nguồn lưu hành bài viết (tên miền, mục đích ngầm), ngày tháng cập nhật...
Có 7 đặc điểm để nhận biết thông tin “rởm” về các phương pháp, bài thuốc điều trị ung thư, bao gồm: lời quảng cáo bùi tai; chứa đựng thuyết âm mưu; khẳng định có tác dụng với tất cả các loại ung thư; bằng chứng là cảm nhận của bệnh nhân; phương pháp điều trị đơn giản; nhấn mạnh thành phần từ thiên nhiên; chú trọng khả năng tăng cường khả năng miễn dịch.
BS Quý cũng đưa ra các website cung cấp thông tin uy tín về ung thư tại Việt Nam như website của: Tổ chức Y học cộng đồng, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Viện Ung thư quốc gia, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Tổ chức Ruy-băng Tím…
Thông điệp chung mà các bác sĩ muốn nhắn gửi tại MedTalks lần này là, bất cứ loại thực phẩm hay phương pháp hỗ trợ nào nếu thực sự có hiệu quả thì đều đã được các chuyên gia y tế đưa vào quá trình điều trị chính thống. Người bệnh nên tin tưởng ý kiến và quyết định của các y bác sĩ, chuyên gia bởi những lời khuyên, quyết định của họ không phải ngẫu nhiên mà có được; tất cả họ đều phải trải qua quá trình học tập, nghiên cứu lâu dài.
Med Talks là chuỗi sự kiện xoay quanh chủ đề y khoa, dược, tâm lý do mạng lưới tri thức số MetaMinds tổ chức khoảng hai tuần một lần, với sự đồng hành của thương hiệu xuất bản sách y học MedInsights và công ty công nghệ eDoctor.
Đọc thêm: