Tại hội thảo online “Hậu Covid – Hiểu đúng để không lo lắng” tối 31/3, các bác sĩ giàu kinh nghiệm đã giải thích thế nào là hậu Covid và cách điều trị cả ở người trưởng thành và trẻ em.

Ba tiêu chuẩn để chẩn đoán “hậu Covid”

Theo BS.TS Lê Thị Thanh Thủy - Khoa Nội Gan Mật, Trường Đại học Y khoa thuộc Đại học TP Osaka, Nhật Bản - các chuyên gia trên thế giới cho biết có 3 tiêu chuẩn để chẩn đoán một người có tình trạng hậu Covid, đó là: nhiễm Covid hơn 3 tháng; có triệu chứng cả về thể chất và tinh thần kéo dài hơn 2 tháng; và các triệu chứng này không thể giải thích bởi một chẩn đoán nào khác.

Kể từ bài báo đầu tiên được công bố vào tháng 7/2020, đến cuối năm 2021 - đầu năm 2022, trên thế giới đã có hơn 900 bài báo khoa học về hậu Covid của biến thể Alpha, Delta. Đối với biến thể Omicron, do mới xuất hiện nên chưa đủ thời gian để nghiên cứu về hậu Covid, mà hiện được gọi là Covid chưa phục hồi.

Các triệu chứng nói chung của hậu Covid có thể bao gồm: khó thở; ho dai dẳng kéo dài; cảm giác khó chịu, đau, tức, nặng ngực… Tuy nhiên, qua các quan sát và tổng kết về tình hình dịch bệnh ở Việt Nam cũng như trên thế giới, có thể thấy, biến thể Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ hơn nhiều so với các biến chủng trước đó - theo BS Thanh Thủy.

gff
Các diễn giả tại MedTalk về hậu Covid tối 31/3 - hàng trên: BS TS Lê Thị Thanh Thủy (bìa phải); hàng dưới: PGS.TS. BS. Hoàng Bùi Hải (trái), và BS Đỗ Tuấn Anh. Ảnh: Chụp màn hình

PGS.TS. BS. Hoàng Bùi Hải - giảng viên cao cấp bộ môn hồi sức cấp cứu ĐH Y Hà Nội, Trưởng Khoa Hồi sức - Cấp cứu của Bệnh viện ĐH Y Hà Nội kiêm Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 - đồng tình rằng, cái gọi là “hậu Covid thời Omicron” kết hợp bao phủ vaccine không thể đánh đồng với thời biến chủng Delta, Alpha “lộng hành” và chưa có vaccine. Qua quan sát, ông nhận thấy rất nhiều các ca Covid do biến chủng Omicron không có biểu hiện, hoặc triệu chứng nhẹ.

“Thậm chí các biến chứng nếu có cũng không khác mấy so với các biến chứng cảm hàn mà Đông y đã liệt kê,” ông nói và lưu ý, người bệnh chỉ cần chú trọng dinh dưỡng và lối sống thì theo thời gian, các triệu chứng này sẽ hết. “Vì vậy người mắc Covid không nên quá lo lắng, hoang mang. Hãy ăn uống đầy đủ, luyện tập vừa sức để sớm bình phục, yên tâm trở lại cuộc sống như bình thường.”

Điều trị ra sao

Tuy nhiên, BS Hải nhấn mạnh, vẫn có những người có triệu chứng nặng, cần được thăm khám và điều trị. Thời gian hậu Covid có thể kéo dài từ 2-12 tháng, nhưng đối với hầu hết bệnh nhân thể nhẹ đã khỏi bệnh thì không cần xét nghiệm để xác định mình có ở trong tình trạng hậu Covid không. Đối với bệnh nhân đang hồi phục sau bệnh nặng, bệnh nhân đã xác định được những bất thường, hay bệnh nhân đã xuất viện có các triệu chứng không giải thích được, cần làm các xét nghiệm sau: công thức máu; sinh hoá máu; các xét nghiệm chuyên sâu: NT-proBNP (chẩn đoán và tiên lượng bệnh nhân suy tim), troponin (chẩn đoán nhồi máu cơ tim), D-dimer (chẩn đoán huyết khối trong máu), xét nghiệm tuyến giáp, Creatine Kinase (chẩn đoán tổn thương về cơ). Ngoài ra, tùy vào mức độ mà các bác sĩ sẽ yêu cầu làm điện tim, chụp X quang phổi, cắt lớp vi tính phổi, siêu âm tim, đo chức năng hô hấp, khí máu động mạch, kiểm tra đi bộ 6 phút.

Theo BS Hải, bệnh nhân có nhu cầu về các dịch vụ phục hồi chức năng cần tiến hành càng sớm càng tốt, thường là trong vòng 30 ngày kể từ ngày hồi phục sau mắc Covid. Ngoài ra, tất cả bệnh nhân nên được kiểm tra các triệu chứng tim trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập thể dục nào.

Những lưu ý ở bệnh nhi

Là bác sĩ tham gia tư vấn chữa trị cho các bệnh nhân nhi mắc Covid từ khi biến chủng Delta “hoành hành” tại TP HCM, đến khi biến chủng Omicron “tự tung tự tác” ở Hà Nội, BS Đỗ Tuấn Anh - Trung tâm Nhi Khoa, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, từ tháng 2/2022 đến nay trẻ bị mắc Covid chủ yếu là do biến chủng Omicron.

BS Tuấn Anh dẫn các nghiên cứu trên thế giới, theo đó, ngoài biểu hiện ở đường hô hấp và tiêu hóa như chủng Delta/Alpha, có tới 30% trẻ mắc Covid do biến chủng Omicron biểu hiện ở đường hô hấp trên với biến chứng hay gặp là viêm thanh quản cấp, viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi - và đó là lý do chính khiến trẻ phải nhập viện và khám cấp cứu. Biến chủng Omicron làm tăng số trẻ nhiễm bệnh, nhưng có tới 40% trẻ không triệu chứng và 44% chỉ có triệu chứng nhẹ, nên điều trị triệu chứng và hỗ trợ dinh dưỡng rất quan trọng.

BS Tuấn Anh nêu rõ các dấu hiệu nguy hiểm của trẻ mắc Covid gồm 3 nhóm: nhóm khó thở, thở nhanh, tím môi và đầu chi; nhóm mất nước, hay gặp ở các F0 sốt cao, có biểu hiện tiêu hoá như đau bụng, nôn, kém/bỏ ăn; và nhóm toàn thân (li bì, bỏ ăn, da tái/tím, sốt cao liên tục, co giật…)

Việc điều trị Covid cho trẻ cần tuân thủ 4 nguyên tắc: phân loại mức độ bệnh, điều trị các triệu chứng, cá thể hóa các biện pháp điều trị, và theo dõi phát hiện và xử trí khi bệnh có diễn tiến khác.

Mục tiêu của việc điều trị là phải đảm bảo đúng thời điểm, đúng thuốc, đúng liều và đúng liệu trình; đồng thời sử dụng thuốc hợp lý, tránh lạm dụng thuốc, dẫn đến tăng tác dụng phụ.

BS Đỗ Tuấn Anh nhấn mạnh, trẻ em cũng như người lớn, sau khi bị mắc Covid thường cần thời gian để phục hồi. Để hỗ trợ cho quá trình này, bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần lưu ý chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi của trẻ: cho trẻ dùng các loại đồ ăn thức uống nhiều dinh dưỡng, dễ tiêu hóa; và hạn chế thời gian tiếp xúc với các thiết bị điện tử ngoài thời gian học…

Sự kiện do mạng lưới tri thức số MetaMinds tổ chức, với sự đồng hành của thương hiệu xuất bản sách và tri thức y học MedInsights và công ty công nghệ eDoctor, mở đầu cho chuỗi MedTalks xoay quanh chủ đề y khoa, dược, tâm lý.