Một nghiên cứu khảo sát gần 500.000 người trưởng thành trong độ tuổi từ 38 đến 73 cho thấy ngủ quá nhiều hay quá ít đều khiến suy giảm khả năng nhận thức và sức khoẻ tâm thần, thậm chí dẫn đến lo âu và trầm cảm. Ngược lại, ngủ đủ giấc mang lại lợi ích rõ rệt.
Giấc ngủ đóng một vai trò quan trọng trong việc kích hoạt chức năng nhận thức và duy trì sức khỏe tâm lý. Nó cũng giúp giữ cho não khỏe mạnh bằng cách loại bỏ các chất độc hại. Khi chúng ta già đi, chúng ta thường thấy những thay đổi trong cách ngủ của mình, chẳng hạn như khó ngủ, ngủ mơ màng, chất lượng giấc ngủ giảm. Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện, tình trạng rối loạn giấc ngủ có thể góp phần làm suy giảm nhận thức và rối loạn tâm thần ở người trung niên và người già.
Trong nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí
Nature Aging, các nhà khoa học từ Anh và Trung Quốc đã kiểm tra dữ liệu của gần 500.000 người trưởng thành từ 38-73 tuổi trong Ngân hàng Biobank của Anh. Những người tham gia được hỏi về cách ngủ, sức khỏe tâm thần và lợi ích mà họ nhận được, cũng như thực hiện một loạt bài kiểm tra nhận thức. Nhóm nghiên cứu cũng kiểm tra ảnh chụp não và dữ liệu di truyền có sẵn của gần 40.000 người trong số những người tham gia.
Bằng cách phân tích những dữ liệu này, nhóm nghiên cứu phát hiện, ngủ quá nhiều hay quá ít đều gây suy giảm hiệu suất nhận thức, chẳng hạn như tốc độ xử lý, sự chú ý thị giác, trí nhớ và kỹ năng giải quyết vấn đề. Vậy ngủ bao nhiêu tiếng thì được xem là ngủ đủ giấc? Nhóm nghiên cứu cho hay bảy tiếng đồng hồ ngủ mỗi đêm là thời lượng tối ưu cho hoạt động nhận thức, mang lại sức khỏe tinh thần tốt. Những người ngủ trong thời gian dài hơn hoặc ngắn hơn cho biết họ cảm thấy lo âu và mệt mỏi.
Giáo sư Barbara Sahakian ở Khoa Tâm thần học của Đại học Cambridge, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: “Xem bảy tiếng đồng hồ là mốc, cứ mỗi giờ bạn rời xa mốc đó - bất kể tăng hay giảm, bạn sẽ càng cảm thấy tồi tệ hơn. Rõ ràng quá trình diễn ra trong não của chúng ta khi ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần.” Bà cũng nhấn mạnh, một giấc ngủ ngon vào ban đêm là phần thiết yếu trong tất cả các giai đoạn của cuộc đời, đặc biệt là với những người già. “Tôi nghĩ nó cũng quan trọng như việc tập thể dục".
Có thể lý giải mối liên hệ giữa ngủ không đủ giấc với suy giảm nhận thức là do sự gián đoạn của giấc ngủ sóng chậm (slow-wave sleep), hay còn gọi là giấc ngủ sâu. Trong giai đoạn này, nhiệt độ cơ thể và nhịp tim giảm mạnh, não cũng dùng ít năng lượng hơn. Đây là giai đoạn ngủ thật sự, tức não được nghỉ ngơi. Giấc ngủ sóng chậm đã được chứng minh giúp củng cố trí nhớ của con người. Thiếu nó, não bộ sẽ không thể thải độc một cách hiệu quả.
Xem xét ảnh chụp não và dữ liệu di truyền của người tham gia, nhóm nghiên cứu phát hiện vùng não bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi giấc ngủ là vùng hồi hải mã (hippocampus) - trung tâm trí nhớ của não. Phân tích cho thấy những người ngủ bảy giờ mỗi đêm có kết quả bình quân tốt nhất trong các bài kiểm tra nhận thức về tốc độ xử lý, sự chú ý thị giác, trí nhớ và kỹ năng giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, các nhà khoa học hiện chưa rõ tại sao dành 8 giờ hoặc hơn để ngủ có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực. Một số nhà khoa học gợi ý rằng những người ngủ không sâu giấc, bị ngắt quãng, có xu hướng ngủ lâu hơn - hoặc thèm ngủ - bởi vì họ cảm thấy mệt mỏi. Dù vậy, nhìn chung “chúng tôi chưa lý giải ngọn nguồn được tại sao ngủ lâu hơn lại là một vấn đề,” Sahakian nói.
“Thêm vào đó, rất khó để lý giải vì sao người già lại khó ngủ hơn người trẻ. Điều này rất phức tạp, nó liên quan đến cấu trúc gen và cấu trúc não bộ của chúng ta,” GS Jianfeng Feng - tác giả liên hệ của nghiên cứu, hiện đang làm việc tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải - cho biết.
Nguồn: