Một nghiên cứu trên chuột cho thấy các thay đổi nội tiết tố trong quá trình mang thai đã kích hoạt bản năng làm mẹ và thay đổi thứ tự ưu tiên

Theo đó, bản năng làm mẹ đã được kích hoạt từ những thay đổi trong não bộ, xảy ra để phản ứng với với estrogen và progesterone vào cuối thai kỳ.

Các nhà khoa học cho biết, những thay đổi tương tự nhiều khả năng cũng xảy ra trong bộ não con người. Công trình này có thể mở đường cho hiểu biết mới về hành vi nuôi con và sức khỏe tinh thần sau sinh.

Bác sĩ Jonny Kohl ở Viện Francis Crick ở London, người đứng đầu nghiên cứu, nói: “Chúng ta biết rằng cơ thể phụ nữ thay đổi trong thời kỳ mang thai để chuẩn bị cho việc nuôi dưỡng trẻ sơ sinh. Một ví dụ là việc sản xuất sữa, việc này bắt đầu từ trước khi đứa trẻ ra đời. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những sự chuẩn bị như vậy cũng diễn ra trong não bộ.”

Phát hiện này nhất quán với nghiên cứu chụp não bộ ở phụ nữ. Chúng cho thấy những thay đổi về thể tích não và hoạt động của não kéo dài rất lâu sau thời kỳ mang thai. Tuy nhiên bác sĩ Kohl chỉ ra rằng “việc làm mẹ rõ ràng phức tạp hơn nhiều ở người”.

Những con chuột được nghiên cứu thể hiện hành vi thay đổi đáng kể. Chuột cái chưa đẻ con không quan tâm tới con non, còn những con chuột mẹ dành nhiều thời gian để chăm sóc con non. Trước đây, người ta thường giả định rằng hành vi này khởi phát trong hoặc ngay sau khi sinh nở, có khả năng là những nội tiết tố như oxytocin đã kích hoạt nó. Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất xác địnhsự thay đổi này diễn ra vào một giai đoạn sớm hơn và cũng đề xuất rằng những thay đổi như vậy có thể kéo dài vĩnh viễn.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng những thiết bị thu nhỏ để gắn vào đầu của chuột, nhằm thu trực tiếp tín hiệu từ một nhóm các tế bào thần kinh trong vùng dưới đồi, nơi liên quan tới các hành vi nuôi con.

Việc mang thai gây thay đổi não bộ ở thai phụ. Nguồn: Jamie Grill
Việc mang thai gây thay đổi não bộ ở thai phụ. Nguồn: Jamie Grill

Các ghi nhận về não bộ cho thấy oestrogen giảm thiểu hoạt động cơ bản những tế bào thần kinh này, nhưng lại khiến chúng dễ dàng phản ứng lại với những tín hiệu đến. Progesterone biến đổi đầu vào của chúng, khiến nhiều khớp thần kinh hơn được hình thành, như vậy các tế bào thần kinh được kết nối chặt chẽ hơn với các phần khác của não – và những thay đổi này dường như là vĩnh viễn.

“Chúng tôi cho rằng những thay đổi này dẫn đến sự thay đổi về thứ tự ưu tiên – chuột chưa sinh con tập trung vào việc giao phối, nên không phản ứng lại với con non của những con chuột cái khác, còn chuột mẹ cần thực hiện hành vi làm mẹ mạnh mẽ để đảm bảo con mình sống sót. Điều thú vị là sự chuyển đổi này không xảy ra vào lúc sinh – bộ não đã chuẩn bị từ sớm hơn thế nhiều cho sự thay đổi lớn trong đời này.”

Khi các nhà nghiên cứu chỉnh sửa con chuột sao cho các tế bào thần kinh của nó không nhạy cảm với nội tiết tố nữa, thì chúng không thể hiện sự chuyển đổi sang hành vi làm mẹ ngay cả sau khi sinh con. Điều này cho thấy có một quãng thời gian quan trọng trong giai đoạn cuối thai kỳ là lúc các nội tiết tố gây ảnh hưởng.

Ở người, các thay đổi nội tiết tố không phải là ảnh hưởng chính duy nhất tới hành vi nuôi con. Nhưng khi các nhà khoa học hiểu được những thay đổi diễn ra trong não bộ, thì họ có thể biết rõ hơn ảnh hưởng của mối gắn kết mẹ - con và các tình trạng gồm trầm cảm sau sinh và rối loạn tâm thần.

Nguồn: