Theo các nhà khoa học, mức độ vận động lý tưởng là khoảng 40 phút đi bộ mỗi ngày với cường độ vừa phải – nghĩa là đi bộ với tốc độ khiến bạn hơi thở dốc.

d
Chỉ cần đi bộ 25 phút mỗi ngày khi nằm viện cũng có thể giúp người lớn tuổi tăng tốc độ phục hồi đáng kể - và nó cũng có thể giảm thiểu những lần tái nhập viện sau này. Ảnh: Shutterstock

Khi một người nhập viện vì bất kỳ lý do gì - dù là do ốm đau hay vừa trải qua một cuộc phẫu thuật - người ta thường cho rằng họ nên dành thời gian nằm trên giường để nghỉ ngơi trong khi sức khoẻ hồi phục. Tất nhiên việc nghỉ ngơi rất quan trọng, nhưng ngồi hoặc nằm trên giường quá nhiều thực sự có thể làm cho bệnh tình trở nên tồi tệ hơn.

Trên thực tế, từ những năm 1940, các nhà khoa học chỉ ra những tác động tiêu cực của việc nằm ườn quá lâu trên giường. Kể từ đó, rất nhiều nghiên cứu về việc nghỉ ngơi trên giường đã được tiến hành. Khi không vận động quá lâu, cơ sẽ bị yếu và teo lại. Sức mạnh cơ sẽ giảm, chúng ta sẽ gặp khó khăn khi thực hiện các công việc hằng ngày.

Nằm lâu trên giường cũng làm giảm lưu lượng máu và dung tích phổi, đồng thời làm tăng nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu. Điều này cũng có thể dẫn đến loét do tì đè, táo bón và tiểu tiện không kiểm soát.

Nghiên cứu mới đây của GS Sebastien Chastin (Đại học Glasgow Caledonian, Vương quốc Anh) và các cộng sự cho thấy hoạt động thể chất có thể giúp chống lại tác động tiêu cực của việc nằm quá lâu trên giường. “Chúng tôi nhận thấy thậm chí chỉ cần đi bộ 25 phút mỗi ngày khi nằm viện cũng có thể giúp người lớn tuổi tăng tốc độ phục hồi đáng kể - và nó cũng có thể giảm thiểu những lần tái nhập viện sau này", GS Chastin cho biết.

Để tiến hành nghiên cứu của mình, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu từ 19 thử nghiệm lâm sàng xem xét tác động của việc duy trì vận động trong thời gian nhập viện đối với chức năng thể chất của người tham gia, nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tiếp theo (chẳng hạn như té ngã) và cả nguy cơ phải nhập viện trở lại.

Tổng cộng, họ đã phân tích dữ liệu của 3.000 người từ 55 đến 78 tuổi, được đưa vào đơn vị chăm sóc tích cực (ICU) của bệnh viện hoặc khoa nội tổng quát trong 7 đến 42 ngày vì bệnh cấp tính (như suy hô hấp) hoặc để phẫu thuật. Họ cũng đã xem xét các loại hình hoạt động thể chất khác nhau, từ các bài tập kéo giãn cơ đơn giản trên giường cho đến việc đi bộ, cũng như các bài tập thể lực và aerobic hằng ngày.

Phân tích của nhóm chỉ ra những người lớn tuổi thực hiện các hoạt động thể chất nhẹ (ví dụ như đi bộ) khi nằm viện có chức năng thể chất tốt hơn vào cuối giai đoạn nằm viện và giảm 10% nguy cơ phải nhập viện trở lại trong vòng 30 ngày kể từ ngày xuất viện, so với với những người không tập tành gì. Một người càng thực hiện nhiều hoạt động – và hoạt động đó càng có cường độ cao – chức năng thể chất của họ càng tốt và nguy cơ tái nhập viện của họ càng thấp.

Nhìn chung, “chúng tôi nhận thấy mức độ vận động lý tưởng là khoảng 40 phút đi bộ mỗi ngày với cường độ vừa phải – nghĩa là đi bộ với tốc độ khiến bạn hơi thở dốc”, GS Chastin nói.

Đáng chú ý, những người lớn tuổi vẫn vận động trong thời gian nằm viện cũng ít có khả năng bị ngã, tàn tật hoặc tử vong sau khi xuất viện hơn 10% so với những người không vận động.

Tầm quan trọng của vận động

Nhiều nghiên cứu trước đây cũng cho thấy lợi ích của hoạt động thể chất trong thời gian nằm viện. Ví dụ, một nghiên cứu cho thấy rằng liệu pháp vận động sớm cho những bệnh nhân bị bệnh nặng sẽ giúp họ hồi phục nhanh hơn, chức năng thể chất tốt hơn và giảm thiểu số ngày phải thở máy.

Nghiên cứu của GS Chastin bổ sung bằng chứng cho nghiên cứu trên bằng cách xác định các loại bài tập tối ưu, cũng như thời gian vận động cần thiết.

Hoạt động thể chất giúp duy trì sức mạnh cơ bắp cần thiết để con người thực hiện các công việc hằng ngày. Nó cũng giữ cho hệ thống tim mạch hoạt động bình thường và giúp ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu cũng như các vấn đề về đường tiêu hóa .

Bên cạnh đó, việc vận động không chỉ tác động tích cực đến thể chất. Tập thể dục được chứng minh là làm giảm sự buồn chán và cải thiện tâm trạng. Nó cũng kết nối bệnh nhân với nhân viên bệnh viện và người chăm sóc, giúp cải thiện sức khỏe tinh thần .

Điều quan trọng là vận động tích cực khi ở trong bệnh viện sẽ giúp bệnh nhân duy trì nhịp độ tập luyện trong cuộc sống thường nhật của họ, đây là một trong những cách hiệu quả nhất để giữ sức khỏe khi trở về nhà. Điều này có thể giải thích tại sao nghiên cứu của GS Chastin phát hiện ra rằng những người hoạt động tích cực trong thời gian nằm viện có tỷ lệ tái nhập viện thấp hơn.

Tất nhiên không phải mọi người đều phù hợp với một bài tập vận động giống nhau, các bệnh nhân cần đảm bảo mình đang thực hiện các hoạt động phù hợp với khả năng của mình. Nếu bạn đang hồi phục sau phẫu thuật hoặc bệnh tim, hãy bắt đầu tập thể dục từ từ và sau đó tăng dần cường độ. Ngay cả những hoạt động nhỏ nhặt - chẳng hạn như ra khỏi giường và di chuyển đến một chiếc ghế gần đó để nghỉ ngơi, hoặc đi bộ một đoạn ngắn đến nhà vệ sinh hoặc quán ăn - cũng là một cách khởi đầu tốt.

Nguồn: