Các bác sĩ phẫu thuật ở Anh đã thành công trong việc sử dụng tế bào gốc để khôi phục lại tầm nhìn của hai bệnh nhân bị thoái hóa điểm vàng.

Kết quả cuộc thử nghiệm lâm sàng đầu tiên đã được công bố trên tạp chí Nature Biotechnology và mở ra tia hy vọng khôi phục tầm nhìn cho các bệnh nhân thoái hóa điểm vàng trên toàn thế giới.

Thoái hoá điểm vàng là gì?

Sự thoái hóa điểm vàng là sự thoái hóa liên quan đến tuổi tác của biểu mô sắc tố võng mạc, lớp tế bào sau lớp tế bào que và tế bào nón của võng mạc. Ở người khỏe mạnh, các biểu mô sắc tố võng mạc chịu trách nhiệm vận chuyển các chất dinh dưỡng và loại bỏ chất thải được tạo ra bởi các tế bào xung quanh.

Vì vậy, khi lớp tế bào biểu mô sắc tố bắt đầu thoái hóa do tuổi tác (thường là sau 50 tuổi), các tế bào sẽ mất khả năng loại bỏ chất thải, phá hủy các tế bào xung quanh võng mạc. Điều này dẫn tới hình thành điểm mù trong điểm vàng, phần nhạy cảm nhất của võng mạc, do đó gây ra chứng mù một phần, chỉ nhìn thấy vùng ngoại vi, không nhìn thấy hình ảnh trung tâm. Người bị thoái hóa điểm vàng không thể đọc, lái xe, hoặc nhận ra khuôn mặt của người xung quanh.


Điều trị thoái hóa điểm vàng?

Có nhiều phương án điều trị cho bệnh nhân thoái hóa điểm vàng, nhưng tất cả đều chỉ nhằm mục đích ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Hiện nay, phương pháp phẫu thuật tế bào gốc đã bật “đèn xanh” cho các thử nghiệm lâm sàng, cho phép các nhà nghiên cứu cấy một mảng tế bào gốc kích thước 4 x 6 mm vào võng mạc của 2 bệnh nhân. Các tế bào này được phủ một hợp chất tổng hợp để giúp chúng vẫn giữ nguyên vị trí nhưng vẫn tiếp tục phân chia thành các tế bào chuyên biệt.

Ca phẫu thuật thành công, cả 2 bệnh nhân được theo dõi suốt 12 tháng. Một số tế bào đã bị cơ thể loại bỏ, nhưng nhìn chung các tế bào đều thực hiện hoạt động chức năng tốt. Tầm nhìn của bệnh nhân được cải thiện đáng kể.

Công nghệ tế bào gốc đã tạo ra bước đột phá trong nhiều lĩnh vực khác nhau:

Năm 2007, Tiến sĩ Shinya Yamanaka tại Đại học Kyoto phát hiện ra rằng các tế bào da người có tiềm năng chuyển đổi thành tế bào gốc tim. Điều này cho phép các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts và Bệnh viện Y Harvard tạo ra tim người từ các tế bào da vào năm 2016, gần đây các nhà khoa học còn sử dụng tế bào gốc để tổng hợp các cơ quan phù hơp cho phẫu thuật cấy ghép.

Đầu năm 2017, các nhà nghiên cứu ở Đại học Bristol, Cambridge và Oxford thành công tổng hợp máu từ tế bào gốc. Máu tổng hợp ErythroMer hiện đang được thử nghiệm trên người. Các nhà khoa học bây giờ có thể phát triển "bộ não nhỏ" trong phòng thí nghiệm từ tế bào gốc. Những bộ phận cơ thể giống với bộ não của con người thực tế và hiện đang được sử dụng để nghiên cứu các bệnh thần kinh.