GS-TS Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Times City - trả lời:
Tuỷ xương - chủ yếu là xương chậu - là một nguồn quan trọng để thu thập TBG. Có thể hút TBG từ đây để chuyên biệt hóa, hoặc dùng thuốc kích thích để các TBG từ xương chảy ra máu ngoại vi rồi thu nhận (thường dùng cho người già, không chịu được gây mê). Với TBG từ mỡ bụng (dùng chữa thoái hóa khớp gối), người ta hút mỡ bụng ra rồi chiết tách.
TBG đã được ứng dụng chữa rất nhiều bệnh như bại não, chấn thương cột sống, thoái hóa khớp, bệnh phổi tắc nghẽn, xơ gan… Đây đều là bệnh nan y, việc dùng thuốc hầu như không có tác dụng. Trong đó, việc dùng TBG chữa bại não đã được ứng dụng tương đối rộng rãi.
Tỷ lệ mắc bệnh này ở trẻ em hiện là 0,2%, nguyên nhân chính là tình trạng ngạt khi sinh, não chết một phần do thiếu ôxy, dẫn đến tàn tật vận động và ngôn ngữ. Chi phí điều trị bại não rất cao, ở Australia là 115.000 USD/người/năm, ở Mỹ là 1 triệu USD/người/năm.
Ở Việt Nam, Bệnh viện Vinmec - được sự phê duyệt của Bộ KH&CN - đã triển khai đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu sử dụng TBG tự thân điều trị bại não ở trẻ em” với mục tiêu xây dựng được quy trình sử dụng TBG tự thân để điều trị bệnh này và đánh giá kết quả thực hiện. Bước đầu có thể khẳng định, việc ghép TBG điều trị bại não ở trẻ em cho kết quả tốt ngoài sự mong đợi.
Có thể minh chứng từ chính bệnh nhân đã được ghép tế bào gốc thành công có chuyển biến rất tốt, như trường hợp bé Nhật Lam - 9 tuổi, ở Tây Ninh - được truyền TBG từ tháng 7/2014. Sau hơn 1 năm điều trị với 4 lần truyền TBG, bé có thể ngồi ăn, tự ăn sữa, không còn phải nằm để mẹ đút từng thìa trên giường như trước. Bé cũng có thể tự đi được mà không cần người dìu, không còn chảy dãi, gồng cứng như ngày nào.