Tuổi thọ của ruồi và giun được kéo dài bằng cách làm ức chế hoạt động của một loại enzyme do chính cơ thể các loài động vật tiết ra.
Các nhà khoa học tại Đại học College London (Anh), Đại học Kent (Anh) và Đại học Groningen (Hà Lan) đã kéo dài thành công tuổi thọ của các loài ruồi và giun bằng cách làm ức chế hoạt động của một loại enzyme do chính cơ thể các loài vật tiết ra. Kết quả được công bố trên Nature hôm 29/11.
Kéo dài tuổi thọ của giun và ruồi lên 10% bằng cách ức chế enzyme Pol III. Ảnh: Shutterstock.
Hầu như tất cả các tế bào động vật đều chứa enzyme RNA polymerase III, hay Pol III. Trước đây, giới khoa học nhận thấy enzyme này có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình tổng hợp protein và sự phát triển của tế bào. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện ra vai trò của nó đối với quá trình lão hóa. Cụ thể, mức suy giảm hoạt động của Pol III liên quan với sự gia tăng tuổi thọ, khoảng 10%.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các kỹ thuật di truyền nhằm ức chế biểu hiện của Pol III ở giun và ruồi trưởng thành. Họ nhận thấy cách làm này đã có tác dụng kéo dài tuổi thọ của con vật.
"Chúng tôi đã khám phá ra vai trò cơ bản của Pol III đối với ruồi và giun trưởng thành. Đó là những ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng của tế bào gốc, sức khỏe đường ruột và sức sống của con vật. Khi Pol III bị ức chế hoạt động, tình hình đã được cải thiện" - Danny Filer - thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.
Filer nhận định, vì Pol III trên cơ thể các loài có cấu trúc và chức năng rất giống nhau, cho nên chúng tôi cho rằng nên tiếp tục nghiên cứu vai trò của nó đối với các động vật có vú và cả con người, nhằm tạo ra một số phương pháp điều trị hay những loại thuốc mới trong y học.
Trước đây, các nhà khoa học đã thử kéo dài cuộc sống của chuột và một số động vật khác bằng cách sử dụng rapamycin - một chất gây ức chế miễn dịch. Nghiên cứu mới cho thấy, biện pháp kiềm chế hoạt động của Pol III cũng mang tới kết quả tương tự.
Quốc Hùng (Theo UPI)