Khi chiếc răng sữa của đứa trẻ cần loại bỏ để thay mới, PGS.TS. Trần Lê Bảo Hà sẽ dùng nó để nuôi cấy tế bào gốc, lưu trữ sau này khi trẻ lớn lên, các tế bào này sẽ giúp làm "sống lại" một số bộ phận bị hư hỏng.

Điều trị được nhiều bệnh nguy hiểm

Trao đổi với phóng viên KHPT, PGS.TS. Trần Lê Bảo Hà, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM cho biết, tế bào gốc là các tế bào tồn tại ở phôi, thai, phần phụ của thai hay cơ thể trưởng thành, có khả năng tăng sinh và biệt hóa thành các tế bào chuyên hóa. Trong đó, tủy răng là mô giàu tế bào gốc, có khả năng biệt hóa thành các tế bào hình thành mô cứng, tế bào thần kinh, tế bào mỡ… sau khi tổn thương.

Tế bào gốc tủy răng là nguồn nguyên liệu dùng để điều trị các bệnh về răng (tủy răng, nhà chu…), tiểu đường, mạch máu, gan, cơ, nhồi máu cơ tim, mắt… đặc biệt là các bệnh về thần kinh.

Sau khi nghiên cứu thành công khiến cho tế bào gốc của chiếc răng chuột phát triển trên khay nuôi, PGS.TS. Trần Lê Bảo Hà tiến thêm một bước khi phân lập và nuôi cấy thành công tế bào gốc tủy răng người, tăng thêm nguồn thu nhận tế bào gốc, mở ra cơ hội phục hồi những chiếc răng bệnh cho người Việt Nam. Công trình nghiên cứu này không phải là mới so với thế giới, từ năm 2000, các nhà khoa học ở Mỹ và Úc đã khám phá trong tủy răng sữa bị rụng của trẻ em có những tế bào gốc có khả năng biệt hóa (chuyển thành nhiều loại tế bào khác của cơ thể như mong muốn). Chỉ thời gian ngắn sau đó, họ đã biệt hóa thành công tế bào gốc từ tủy răng của cả động vật và con người. Tuy nhiên, nhóm của PGS.TS. Trần Lê Bảo Hà đã cải tiến một số phương pháp cho phù hợp với điều kiện nghiên cứu và nhận được bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho quy trình thu nhận tế bào gốc tuỷ răng người của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Ngày nay, các kỹ thuật hiện đại có thể tạo ra các mô chức năng có khả năng thay thế mô bị mất hoặc hư hỏng. Điều này có thể được thực hiện bằng cách nuôi cấy tế bào trong một khung nâng đỡ có lỗ xốp nhằm tạo ra cấu trúc có kích thước và hình dạng mong muốn.

PGS.TS. Trần Lê Bảo Hà nói: “Từ năm 2000 cho đến nay, rất nhiều nhà khoa học trên khắp thế giới đã quan tâm đến tế bào gốc tủy răng. Ban đầu là đối với tế bào gốc tủy răng động vật, sau đó là răng người và tất cả vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để có thể sử dụng các tế bào này chữa trị nhiều căn bệnh hơn nữa. Công trình của chúng tôi không phải là mới so với thế giới nhưng đã có một số thay đổi về phương pháp nghiên cứu và đây là công trình đầu tiên của Việt Nam liên quan đến vấn đề này. Từ nguồn tuỷ răng này, chúng ta hy vọng lập được ngân hàng tế bào gốc để sử dụng chứ không trông chờ vào việc mua từ nước ngoài. Ngoài ra, nếu mua được từ nước ngoài, chắc chắn bệnh nhân sẽ chịu chi phí rất cao”.

PGS.TS. Trần Lê Bảo Hà cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu để có thể ứng dụng điều trị cho bệnh nhân trong thời gian sớm nhất. Trước mắt sẽ ghép tự thân. Nghĩa là lấy tế bào từ tuỷ răng của một người để điều trị cho chính họ.

Một cách đơn giản để cứu mạng nhiều người

PGS.TS. Trần Lê Bảo Hà khẳng định, việc lưu trữ tế bào gốc từ răng sữa của trẻ em là công việc không quá khó, nhưng lại mang ý nghĩa rất lớn, để sau này nó sẽ trở thành nguyên liệu để cứu mạng nhiều người.

Đến nay, nhóm nghiên cứu đã xác lập được quy trình đơn giản, hiệu quả để thu nhận, vận chuyển răng sau khi rơi khỏi ổ; xác lập quy định bảo quản tế bào gốc tủy răng để lưu trữ trong ngân hàng tế bào gốc. Ưu điểm của tế bào gốc từ tủy răng là mỗi người đều có 20 cái răng sữa và có thể lấy hết một cách tự nhiên mà không cần sự can thiệp nhiều từ y tế. Mỗi răng sau 3 tuần nuôi cấy có thể cho ra 10 triệu tế bào.

Ngoài ra, so với các loại tế bào gốc khác như tế bào gốc từ tủy xương, mô mỡ… thì tế bào gốc từ tủy răng có khả năng biệt hóa thành tế bào gốc thần kinh vượt trội hơn hẳn.

TEBM092017

PGS.TS. Trần Lê Bảo Hà cho biết, quá trình lấy tế bào gốc từ răng sữa được thực hiện từ việc lấy răng khi em bé được đưa đến nha sĩ. Khi lấy răng, nha sĩ phải đảm bảo có chân răng thì mới nuôi cấy tế bào gốc được. Nha sĩ lấy răng sữa xong thì cho vào bảo quản trong môi trường chuyên biệt để mang đi nuôi cấy. Từ khi lấy răng đến khi đưa đến phòng thí nghiệm, nếu được bảo quản đúng thì có thể để qua đêm. Sau đó, răng sẽ được đưa đến phòng thí nghiệm để phân lập, nuôi cấy, xác định khả năng sống, khả năng tăng sinh của tế bào. Nếu có thể nuôi cấy thì tế bào sẽ được đưa vào ngân hàng để bảo quản lạnh trong môi trường nitơ lỏng.

Hiện nay, PGS.TS. Trần Lê Bảo Hà sẵn sàng liên kết với các doanh nghiệp, nhà tài trợ để thực hiện ngân hàng lưu trữ tế bào gốc, với mục tiêu thương mại hóa nghiên cứu khoa học, cũng là để giúp điều trị bệnh cho nhiều người.