Theo Đông y, cây rau hẹ có tác dụng làm thuốc cụ thể, lá hẹ để sống có tính nhiệt, nấu chín thì ôn, vị cay; vào các kinh Can, Vị và Thận. Có tác dụng ôn trung, hành khí, tán ứ và giải độc. Thường dùng chữa ngực đau tức, nấc, ngã chấn thương,…
Gốc rễ hẹ có tính ấm, vị cay, có tác dụng ôn trung, hành khí, tán ứ, thường dùng chữa ngực bụng đau tức do thực tích, đới hạ, các chứng ngứa,… Hạt hẹ có tính ấm, vị cay ngọt; vào các kinh Can và Thận. Có tác dụng bổ Can, Thận, tráng dương, cố tinh. Thường dùng làm thuốc chữa tiểu tiện nhiều lần, mộng tinh, di tinh, lưng gối yếu mềm.
Còn theo Tây y, hẹ có tác dụng tăng tính nhạy cảm với insulin, làm giảm đường huyết, giảm mỡ máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch và bảo vệ tuyến tụy. Chất odorin trong loại rau này là một kháng sinh mạnh giúp chống tụ cầu và các vi khuẩn khác.
Hẹ giúp trị ho an toàn cho trẻ em.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây hẹ
Trị chứng cồn cào buồn nôn
Dùng 70g Hẹ, giã vắt lấy nước; 20g Gừng sống giã vắt lấy nước. Lấy 2 thứ nước trên hoà với 1 chén sữa bò tươi, đem hâm nóng rồi uống.
Trị hen suyễn
Ít người biết được rằng hẹ có tác dụng trong vấn đề điều trị hen suyễn. Tuy nhiên, trên thực tế đã có nhiều bệnh nhân sử dụng hẹ như một vị thuốc để chữa căn bệnh này và cho kết quả khả quan. Chúng ta có thể sử dụng 10 g củ hẹ hoặc 20 g lá hẹ giã nát, ép lấy nước để uống.
Trị côn trùng chui vào tai
Lấy một nắm lá hẹ rửa sạch giã nát, vắt lấy nước cốt nhỏ vào tai có côn trùng, côn trùng sẽ tự bò ra.
Trị tiểu đêm
Tiểu đêm có nhiều nguyên nhân có thể do bệnh lý hoặc do hiện tượng sinh lý bình thường. Theo y học cổ truyền thì cây hẹ rất có tác dụng trong việc đẩy lùi chứng tiểu đêm.
Cách dùng: Người bệnh lấy lá hẹ, dây tơ hồng xanh, ngũ vị tử, phúc bồn tử, kỷ tử, nữ trinh tử mỗi vị 40g. Tất cả phơi khô tán bột, mỗi lần uống 6g, ngày uống 2 lần với nước ấm.
Chữa chứng đái dầm ở trẻ em
Cách dùng: Nấu cháo gạo 50g, dùng 25g rễ hẹ vắt lấy nước cho vào cháo đang sôi, thêm ít đường, ăn nóng, dùng liên tục trong 10 ngày.
Cây hẹ.
Trị đau lưng
Đau lưng có nhiều nguyên nhân có thể là do cột sống bị thoái hoá, do bị bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, hoặc do lao động và làm việc không đúng tư thế…
Cách dùng: Rễ hẹ 100g, dấm chua 50ml. Rễ hẹ rửa sạch, giã nát, thêm dấm rồi bọc trong túi vải đắp vào chỗ đau, mỗi ngày thay thuốc 1 lần.
Trị ho
Hẹ có thành phần saponin có tác dụng long đờm. Kết hợp với thành phần kháng sinh, hẹ trở thành vị thuốc tốt cho những người hen suyễn, khò khè có đờm, ho do lạnh, nhiễm khuẩn.
Cách dùng: Lấy lá hẹ tươi đem cắt nhỏ, cho đường phèn vào cùng một bát, sau cho vào nồi cơm hấp chín. Cho trẻ uống dần trong ngày 2-3 lần.
Một số lưu ý khi dùng hẹ
- Người âm suy, bốc hoả không nên dùng hẹ.
- Không nên dùng hẹ vào mùa nóng.
- Hẹ rất kỵ với thịt trâu, mật ong.