Trong y học cổ truyền, rau đay là loại rau có vị ngọt, tính hàn, không độc. Trong y học hiện đại, rau đay là loại rau tương đối giàu dinh dưỡng, xếp thứ 4 trong nhóm các loại rau nhiều canxi và beta caroten, xếp thứ 3 trong nhóm các loại rau giàu vitamin C và đứng nhất về hàm lượng sắt.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích thành phần hoá học của rau đay thấy có canxi 498mg%, photpho 93mg%, sắt 3,8mg%, kali 650mg%, axit oxalic 870mg%, vitamin B1 0,24mg%, vitamin B2 0,76mg%, vitamin C 168mg%, vitamin A 7,940 đơn vị…
Là loại rau giàu dưỡng chất, rau đay không chỉ trở thành món ăn ngon, mát, bổ, giải nhiệt mùa hè mà rau đay còn có thể chữa được nhiều bệnh bằng cả lá và hạt rau đay.
Chữa tràn dịch màng phổi
Lấy hạt rau đay 8g, ý dĩ 16g, tỳ giải 12g, mộc thông 12g, huyền sâm 12g, thổ phục linh 12g, bách bộ 12g, hạt bìm bìm biếc 8g, rễ cỏ tranh 8g, hạt mã đề 8g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 - 3 lần.
Trị táo bón
Rau đay có thể chữa được táo bón là bởi nó chứa nhiều nước và đường sucrose và inositol có thẻ làm mềm phân. Ngoài ra rau đay còn chứa nhiều polysaccharid giúp tăng lưu chuyển ruột, chống ứ đọng chất thải trong cơ thể. Chất nhầy của rau đay cũng có tác dụng như một chất bôi trơn khiến chất thải dễ bị tống đẩy ra ngoài, hóa giải táo bón.
Chữa rắn cắn
Lấy ngọn rau đay với ngọn chuối tiêu, dây kim cang mỗi thứ một nắm, rửa sạch vẩy ráo nước, giã nhỏ vắt lấy nước cốt cho người bị rắn cắn uống, còn bã đắp vào chỗ rắn cắn trước khi đưa đến cơ sở y tế. Đồng thời kết hợp đặt ga-rô trên chi bị rắn cắn, hoặc bầu giác hút chất độc sau đó nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Trị nóng trong
Rau đay là loại rau có tính hàn nên thích hợp trị hạ hỏa cho người bị nóng trong. Tính nhớt của rau đay giúp người nóng trong dễ ăn, nhất là với người kém ăn do nhiệt, chất nhớt cũng giúp bôi trơn đường tiêu hóa tạo nên cảm giác ăn dễ dàng hơn, tuy nhiên nó chỉ hợp với ai chịu được nhớt, nếu không sẽ cảm thấy không ngon miệng. Cách tốt nhất để chế biến rau đay cho dễ ăn là nấu canh cua, ăn cả nước lẫn cái.
Tốt cho tim mạch
Hạt rau đay có chứa nhiều olitorisid chứa hoạt tính trợ tim cao, tăng sức co cơ tim và giảm nhịp tim gần giống như hoạt tính sinh học của strophantin – chất được y học dùng trong điều trị các bệnh về tim.
Tốt cho trẻ trong độ tuổi ăn dặm
Trẻ trong độ tuổi ăn dặm dễ phải đối mặt với nguy cơ còi xương vì thiếu canxi nên trẻ cần nhiều dinh dưỡng và canxi để có thể phát triển hệ xương và răng. Vì vậy, rau đay với hàm lượng 182mg canxi trong 100g rau rất thích hợp để chế biến thành món ăn dặm cho trẻ.
Thông tiểu
Rau đay có hoạt chất vận động tim mạch nên có tác dụng làm tăng số lượng nước tiểu, lại có tác dụng kháng viêm nên giải viêm nhiễm đường niệu, lại có tác dụng tiêu thũng nên nước tiểu sẽ dễ dàng ra ngoài. Vì thế, những người tiểu bí, tiểu đau, tiểu rát có thể chọn rau đay làm thuốc chữa bài trừ các hiện tượng trên.
Tốt cho phụ nữ đang cho con bú
Phụ nữ đang cho con bú cần khoảng 10mg sắt mỗi ngày. Mà rau đay, xếp đầu bảng trong các loại rau chứa nhiều sắt, có thể cung cấp 7mg sắt trong 100g rau, nên các bà mẹ đang cho con bú chỉ cần ăn khoảng 200 - 300g rau đay là đủ sắt cho cả mẹ và con.
Các mẹ cho con bú nên chọn loại rau thân nhỏ và màu sẫm đỏ chứa nhiều sắt hơn là loại rau đay thân trắng.Thêm vào đó, do rau đay chứa nhiều nước nên có tác dụng làm tăng thể tích sữa, giúp lợi sữa, lại có nhiều nhầy nên sữa về nhiều hơn.