Ngoài việc được yêu thích nhờ vị ngon, ngọt thì quả nhãn còn có tác dụng cải thiện tuần hoàn máu, tăng tuổi thọ, tốt cho hệ thần kinh, làm đẹp da, tốt cho răng miệng, phòng bệnh đau dạ dày, giảm căng thẳng, trầm cảm…
Cây nhãn giống. Ảnh minh họa.
1. Chuẩn bị dụng cụ trồng và đất trồng
Dụng cụ trồng
Bạn có thể tận dụng bao xi măng, bao tải, chậu, khay, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng nhãn. Lưu ý: Dưới đáy khay đục lỗ để thoát nước. Dụng cụ trồng có kích thước trên 1m.
Đất trồng
Nhãn là cây chịu hạn, thích ẩm, sợ đọng nước. Cây nhãn không kén đất, có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau. Cây ưa ánh sáng mạnh, thường sống ở những nơi có nhiệt độ từ 20 - 35 độ C.
Cây nhãn có thể trồng gần như quanh năm, nhưng nếu trồng vào mùa mưa thì cần chú ý thoát nước cho cây vì nếu mưa nhiều thì đất sẽ bị lèn làm cho cây chết vì nghẹt rễ.
Đào hố với kích thước 60 x 60 x 60cm hoặc 80 x 80 x 80cm. Bón lót 20 - 25kg phân chuồng hoai + 1 - 2kg supe lân + 100g ure + 100g kali hoặc 2kg phân NPK (5 - 10 - 3 - 8)/hố, dùng cuốc trộn đều phân với đất, lấp cho gần đầy hố. Bón phân trước khi trồng từ 30 ngày trở ra.
Hoa nhãn. Ảnh minh họa.
2. Chọn giống và trồng nhãn
Hiện tại trên thị trường có nhiều giống nhãn khác nhau như nhãn tiêu da bò, nhãn Thái ido, nhãn giồng da bò, nhãn xuồng cơm vàng… Bạn có thể chọn giống tùy vào điều kiện và sở thích.
Nhãn thường được nhân giống bằng hạt, chiết cành, tháp bo. Thông thường người ta thường chọn phương pháp chiết cành và tháp bo vì tuổi thọ cây tốt hơn, cho nhiều trái, sớm thu hoạch. Để tiết kiệm thời gian và công sức, bạn nên tìm mua cây nhãn giống ở vựa ươm.
Khi thời tiết thuận lợi như trời râm mát, đất ẩm thì tiến hành trồng cây. Dùng dao sắc rạch bỏ túi bầu, đặt cây giống vào giữa hố, lấp đất đến qua cổ rễ và nén chặt. Trồng xong cần tưới đẫm nước ngay để tránh mất nước và rễ tiếp xúc với đất tốt.
Quả nhãn non. Ảnh minh họa.
3. Chăm sóc
Sau khi trồng cần phủ gốc và tưới ẩm thường xuyên đến khi cây ra lá ổn định. Vùng có gió bão nên cắm cọc và buộc chặt cây để không bị lay gốc khi cây còn nhỏ. Khi cây lên cao được 80 - 100cm cần bấm bỏ ngọn để cây phát sinh cành bên. Hàng năm cần cắt tỉa những cành không cần thiết như cành vượt, cành tăm, cành sâu bệnh,… nên tỉa vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 (vào thời gian sau vụ thu hoạch quả) vào những ngày nắng.
Cây nhãn cần được bón phân đầy đủ và với tỷ lệ phù hợp. Tỷ lệ các loại phân NPK sử dụng cho hiệu quả tốt nhất đối với nhãn là 1:0,5:1 hoặc 1:1:2. Trong ba năm đầu cần bón với lượng 0,2 - 0,4kg ure, 0,5 - 0,7kg super lân và 0,3 - 0,5kg kali clorua/năm. Với vườn nhãn nhiều năm tuổi, cứ cho 100kg quả tươi/năm thì có thể bón với lượng phân 2kg N + 1kg P2O5 + 2kg K2O (tương đương với 4,2kg Urê + 5,5kg Supe lân + 4kg Cloruakali).
Khi đất ẩm chỉ cần rải đều phân trên mặt đất theo hình chiếu của tán, sau đó tưới nước để hòa tan phân. Khi trời khô hạn cần hòa tan phân trong nước để tưới hoặc rải đều phân theo hình chiếu của tán, xới nhẹ đất và tưới nước.
Cần thường xuyên làm cỏ để tránh cạnh tranh dinh dưỡng, hạn chế sự cư trú, xâm nhập của sâu bệnh gây hại. Kết hợp xới xáo đất giúp đất thông thoáng nhằm giúp bộ rể tăng cường trao đổi chất, không dùng cuốc lưỡi và không xới sâu vì làm tổn thương bộ rễ.
Cây nhãn trồng trong chậu. Ảnh minh họa.
4. Thu hoạch
Khi vỏ quả chuyển từ màu nâu hơi xanh sang màu nâu sáng, hơi xù xì hơi dày chuyển sang mọng và nhẵn, bóc quả xem thấy hạt có màu nâu đen thì có thể thu hoạch. Nên thu hoạch quả vào ngày trời tạnh ráo, vào buổi sáng và buổi chiều, tránh thu hoạch vào đúng giữatrưa khi trời quá nóng.