Với những người khó ra khỏi giường vào mùa đông, những lời chê bai rằng họ “lười” có thể không phù hợp.

Theo một nghiên cứu mới, con người không cần ngủ đông, nhưng có thể cần ngủ nhiều hơn trong những tháng lạnh giá.

Khi phân tích những người tham gia vào nghiên cứu giấc ngủ, các nhà khoa học phát hiện họ có giấc ngủ REM dài hơn 30 phút vào mùa đông so với mùa hè. Tổng thời gian ngủ cũng dài hơn khoảng 1 tiếng nhưng kết quả này không được coi là có ý nghĩa thống kê.

Giấc ngủ REM (giấc ngủ chuyển động mắt nhanh) là một pha quan trọng trong chu kỳ giấc ngủ, lặp lại vài lần trong đêm. Pha đầu tiên của giấc ngủ REM thường kéo dài 10 phút. Pha cuối của giấc ngủ REM có thể kéo dài đến một giờ. Trong pha này, chúng ta thường hay có những giấc mơ do bộ hoạt động của não tăng lên. Giấc ngủ REM có vai trò quan trọng đối với trí nhớ, khả năng học tập và tâm trạng của chúng ta. Thiếu hụt giấc ngủ REM có thể gây tác động xấu đến sức khỏe thể chất và cảm xúc.

Mùa đông chúng ta khó rời giường hơn, nhưng lý do không phải là vì ta lười biếng
Vào mùa đông chúng ta khó rời giường hơn, nhưng lý do không phải là vì ta lười biếng

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học tuyển 292 tham gia ngủ tự nhiên trong một phòng thí nghiệm đặc biệt mà không có đồng hồ báo thức; chất lượng và loại giấc ngủ, cũng như thời gian ngủ sẽ được giám sát. Đây đều là những người có vấn đề về giấc ngủ. Sau khi loại trừ những người dùng thuốc ảnh hưởng tới giấc ngủ, sai sót kỹ thuật và những người đã bỏ qua giai đoạn pha đầu tiên của giấc ngủ REM, nghiên cứu còn lại 188 người.

Các nhà khoa học cho biết nếu các kết quả của nghiên cứu này được tái lập ở những người có giấc ngủ khỏe mạnh thì nó sẽ cung cấp bằng chứng đầu tiên về nhu cầu điều chỉnh thói quen ngủ theo mùa – có lẽ bằng cách đi ngủ sớm hơn trong những tháng trời tối sớm và lạnh hơn.

TS Dieter Kunz - tác giả liên hệ của nghiên cứu, và hiện công tác tại bệnh viện St Hedwig, Đức - cho biết: “Sinh hoạt theo mùa là điều phổ biến ở bất kỳ sinh vật nào sống trên hành tinh này." Ông nhận xét, con người không thay đổi lối sinh hoạt vào mùa đông, trong khi trên thực tế, vào mùa này, sinh lý của con người bị điều chỉnh xuống, do đó chúng ta có cảm giác bị cạn kiệt năng lượng trong tháng Hai hay tháng Ba. “Nhìn chung, các xã hội cần điều chỉnh thói quen ngủ theo mùa, bao gồm điều chỉnh thời lượng và thời điểm, hay điều chỉnh thời gian học tập và làm việc theo nhu cầu ngủ trong mỗi mùa.”

Nhóm nghiên cứu thừa nhận kết quả này cần được chứng thực ở những người không gặp khó khăn với giấc ngủ, nhưng các thay đổi theo mùa sẽ còn có tác động lớn hơn ở những người khỏe mạnh.

Nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Frontiers in Neuroscience.

Nguồn: