Những người thuộc nhóm máu A có khả năng bị đột quỵ trước tuổi 60 cao hơn so với những người thuộc nhóm máu khác, tuy nhiên mức độ chệnh lệch này nhỏ - theo một nghiên cứu mới trên tạp chí Neurology.
Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ, theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh dịch (CDC). Dữ liệu cho thấy cứ mỗi 40 giây lại có một người đột quỵ và cứ mỗi 3,5 phút lại có một người tử vong. Gần 90% số ca đột quỵ là do thiếu máu cục bộ, khi một cục máu đông ngăn máu lên não.
Các nhà khoa học ở Đại học Y khoa Maryland, Mỹ, đã tiến hành một nghiên cứu về mối liên hệ giữa những đặc điểm di truyền - chẳng hạn như nhóm máu - với chứng đột quỵ.
Để làm như vậy, họ đã thu thập dữ liệu về các trường hợp đột quỵ trên toàn thế giới và thực hiện phân tích di truyền liên kết toàn bộ hệ gen (GWAS). Phần lớn dữ liệu được thu thập từ Mỹ và châu Âu.
Từ 48 nghiên cứu khác nhau, họ đã phân tích thông tin y tế của 17.000 bệnh nhân đột quỵ, và hơn 599.237 người đối chứng khỏe mạnh, chưa từng bị đột quỵ. Tất cả những người tham gia ở độ tuổi từ 18 tới 59 và được chia thành bốn nhóm máu chính dựa trên việc họ bị đột quỵ sớm, đột quỵ muộn, hay không bị đột quỵ.
Tìm kiếm các biến thể di truyền trên toàn bộ hệ gene và giữa các nhóm, họ phát hiện những khác biệt di truyền quan trọng giữa bệnh nhân bị đột quỵ và người không bị đột quỵ nằm trong mã hóa di truyền cho hệ nhóm máu ABO (gồm bốn nhóm máu là A, B, O, AB).
“Thật ngạc nhiên khi hệ nhóm máu ABO là mối liên kết mạnh nhất mà chúng tôi thấy ở chứng đột quỵ sớm. Không chỉ thế, mối liên kết đó mạnh hơn ở chứng đột quỵ sớm so với đột quỵ muộn”, Braxton Mitchell, đồng tác giả của nghiên cứu, Tiến sĩ, Thạc sĩ Y tế Công cộng, nhà dịch tễ học di truyền tại Đại học Maryland, cho biết.
Cụ thể, những người thuộc nhóm máu A có nguy cơ mắc chứng đột quỵ sớm cao hơn 18%, tức là rủi ro hình thành cục máu đông cao hơn. Ngược lại, những người thuộc nhóm máu O có khả năng bị đột quỵ sớm thấp hơn 12% so với các nhóm máu khác.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý, mức chênh lệch 18% ở những người có nhóm máu A là nhỏ, do đó không cần phải cảnh giác hơn hay sàng lọc gì thêm ở nhóm này.
“Chúng tôi vẫn chưa biết vì sao nhóm máu A mang lại nguy cơ cao hơn so với các nhóm máu khác. Nhưng nhiều khả năng nó liên quan tới các yếu tố đông máu như tiểu cầu và tế bào lót mạch máu, cũng như các protein tuần hoàn khác, tất cả chúng đều đóng vai trò trong sự hình thành cục máu đông”, Steven Kittner, tác giả đứng đầu kiêm nhà thần kinh học mạch máu từ Đại học Maryland, cho biết.
Ngoài ra, do đa phần người tham gia nghiên cứu sống tại Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật, Pakistan và Úc, số người có nguồn gốc khác chỉ chiếm 35%, họ cần tiến hành thêm các nghiên cứu với người tham gia đa dạng hơn để làm rõ tầm quan trọng của kết quả này.
Một phát hiện chủ chốt khác từ nghiên cứu xuất hiện khi so sánh những người đột quỵ trước và sau 60 tuổi. Để làm điều này, các nhà nghiên cứu đã dùng bộ dữ liệu gồm 9.300 người trên 60 tuổi bị đột quỵ và khoảng 25.000 người đối chứng trên 60 tuổi không bị đột quỵ.
Họ phát hiện mức tăng rủi ro đột quỵ ở nhóm máu A không còn đáng kể ở nhóm đột quỵ muộn, cho thấy đột quỵ sớm có thể có cơ chế khác biệt so với đột quỵ xảy ra muộn hơn.
Theo các tác giả, đột quỵ ở người trẻ ít khi do các mảng chất béo tích tụ trong động mạch (chứng xơ vữa động mạch), và nhiều khả năng do các yếu tố liên quan tới hình thành cục máu.
Người thuộc nhóm máu B cũng có rủi ro bị đột quỵ sớm và muộn. Thế nhưng, sau khi các nhà nghiên cứu điều chỉnh giới tính và các yếu tố góp phần gây đột quỵ khác, mối liên hệ này biến mất.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy một phần của bộ gene mã hóa nhóm máu liên quan tới tình trạng vôi hóa động mạch vành, ngăn dòng máu và gây đau tim. Chuỗi di truyền cho nhóm máu A và B cũng liên quan tới rủi ro hình thành cục máu đông trong mạch máu cao (chứng huyết khối tĩnh mạch).
Nguồn: