Căng thẳng tâm lý được biết là nguyên nhân làm trầm trọng tình trạng viêm ruột, gây đau đớn thậm chí nguy hiểm tính mạng, nhưng giờ đây các nhà khoa học mới tìm ra nguyên nhân.

Nghiên cứu mới đăng trên Cell phác thảo cơ chế căng thẳng ảnh hưởng đến bệnh đường ruột: các tín hiệu hóa học được tạo ra trong não gây ảnh hưởng đến các tế bào miễn dịch trong ruột. Phát hiện mới ngụ ý rằng để các phương pháp điều trị bệnh viêm ruột (IBD) đạt hiệu quả cao, bác sĩ và bệnh nhân cần kết hợp các biện pháp kiểm soát mức độ căng thẳng. Điều này trái ngược với phương pháp điều trị y tế thông thường, vốn “hoàn toàn bỏ qua vai trò của trạng thái tâm lý của bệnh nhân đối với việc đáp ứng phương pháp điều trị", Christoph Thaiss, nhà vi trùng học tại Đại học Pennsylvania, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.

Đau bụng, tiêu chảy và mệt mỏi chỉ là một số triệu chứng mà những người mắc bệnh IBD gặp phải. Hai loại IBD chính - viêm loét đại tràng và bệnh Crohn - biểu hiện nhẹ ở một số người, nhưng ở những người khác có thể gây suy nhược hoặc thậm chí đe dọa tính mạng.

Ở bệnh nhân IBD, các sự kiện căng thẳng, như mất việc hoặc chia tay với bạn đời, thường xảy ra trước các đợt bệnh trở nặng. Nhóm Thaiss đã tìm ra lời giải thích: sau một đợt căng thẳng, não gửi tín hiệu đến tuyến thượng thận, kích hoạt giải phóng các chất hóa học gọi là glucocorticoid đến phần còn lại của cơ thể.

Mô ruột (màu minh họa) của một người bị viêm loét đại tràng.

Ban đầu, các nhà nghiên cứu cho rằng có thể glucocorticoid tác động trực tiếp lên các tế bào miễn dịch, làm tế bào giải phóng các phân tử gây viêm. “Nhưng hóa ra là còn một giai đoạn trung gian”, Thaiss nói. Khi nghiên cứu trên chuột, họ phát hiện glucocorticoid tác động lên các tế bào gọi là glia trong ruột, tế bào làm nhiệm vụ kết nối các tế bào thần kinh ruột với nhau.

Sau khi được kích hoạt bởi glucocorticoid, một số tế bào glia giải phóng các phân tử kích hoạt các tế bào miễn dịch. Bị kích hoạt, những tế bào miễn dịch giải phóng các phân tử thường được sử dụng để chống lại mầm bệnh, nhưng trong trường hợp này lại gây ra viêm ruột.

Đồng thời, glucocorticoid ngăn không cho các tế bào thần kinh ruột chưa trưởng thành phát triển đầy đủ. Kết quả là những tế bào thần kinh ruột này chỉ tạo ra các phân tử tín hiệu ở mức độ thấp, loại tín hiệu khiến cơ ruột co lại, làm thức ăn di chuyển chậm qua hệ thống tiêu hóa, làm tăng thêm sự khó chịu của IBD.

Các nhà nghiên cứu đã rất ngạc nhiên khi biết rằng glucocorticoid chính là yếu tố gây viêm ruột, bởi vì hợp chất này đôi khi được sử dụng để điều trị IBD. Mặc dù lượng lớn glucocorticoid đưa vào cơ thể trong thời gian ngắn dường như có tác dụng chống viêm, nhưng khi căng thẳng kéo dài và trở thành mãn tính, hệ thống sẽ thay đổi hoàn toàn và glucocorticoid đảm nhận vai trò gây viêm, Thaiss giải thích nghịch lý.

Đây là một "lời giải thích hợp lý", John Chang, nhà tiêu hóa học và miễn dịch học tại Đại học California, cho biết.

Thaiss cho biết khả năng của não trong việc gây viêm cho các cơ quan cách xa não mạnh hơn nhiều so với những gì các nhà khoa học ước tính, và việc kết hợp các biện pháp quản lý mức độ căng thẳng với các loại thuốc IBD sẽ hiệu quả hơn so với chỉ dùng thuốc.

Ý nghĩa của nghiên cứu này có thể vượt ra ngoài IBD. Căng thẳng cũng được cho là nguyên nhân làm tăng các bệnh viêm da và phổi, có thể thông qua các con đường truyền tín hiệu tương tự. Thaiss cho biết rất hào hứng khám phá xem liệu các trạng thái não bộ khác, ngoài căng thẳng, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của một người hay không.

Nguồn: