Trong thời đại cách mạng kỹ thuật số và truyền thông xã hội ngày nay, nhiều chính trị gia đã nhanh chóng nắm bắt xu thế, tận dụng lợi thế của mạng xã hội để tương tác với công chúng. Tuy nhiên, mạng xã hội đôi khi cũng là con dao hai lưỡi.

Sức mạnh của mạng xã hội
Tổng thống Mỹ - Barack Obama - nổi tiếng là người đi tiên phong và đã rất thành công trong việc tận dụng tối đa lợi ích từ các phương tiện truyền thông xã hội và kỹ thuật số, trong đó có mạng xã hội.

Khi tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng, ông đã tận dụng các trang mạng xã hội để chia sẻ thông tin, cập nhật liên tục về chiến dịch tranh cử tới cử tri; tương tác với những người ủng hộ cũng như củng cố các cam kết của ông trong thời đại các phương tiện truyền thông xã hội đang góp phần không nhỏ trong việc định hướng xã hội.

Khi thành tổng thống Mỹ, bằng cách sử dụng mạng xã hội, ông Obama có thể trực tiếp nhận được những phản hồi ngay lập tức từ dư luận về những quyết sách của mình.

“Tổng thống (Obama) luôn muốn đối thoại, trao đổi với nhiều người cùng một lúc. Các nền tảng truyền thông xã hội không chỉ cho phép ông trực tiếp đối thoại với người dân mà còn giúp ông truyền tải mọi thông điệp tới công chúng” - Giáo sư Luật Nate Persily, chuyên gia truyền thông chính trị tại Đại học Stanford - bình luận.

Tổng thống Mỹ - Barack Obama
Tổng thống Mỹ - Barack Obama

Các ứng viên tham gia cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2016 cũng được xem là đang sử dụng mạng xã hội nhiều hơn các ứng viên trước đó để tương tác với cử tri.

Tài khoản Facebook chính thức của ứng viên số 1 hiện nay - cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton thuộc Đảng Dân chủ - đã có hơn 1 triệu lượt “like”. Trong khi đó, tài khoản Twitter chính thức của bà có hơn 4 triệu người theo dõi. Ngoài ra, bà Hillary cũng lập nhiều tài khoản trên các mạng xã hội khác như Instagram, snapchat… Các chuyên gia nhận định, sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội là bước đi khôn ngoan để cựu Ngoại trưởng Mỹ tạo hình ảnh gần gũi với công chúng.

Một nhân vật đặc biệt khác - Đức Giáo hoàng Francis - cũng nổi tiếng là vị giáo hoàng đầu tiên nắm bắt xu thế, tận dụng triệt để các phương tiện truyền thông xã hội để tương tác với công chúng .

Thông qua tài khoản @Pontifex, gần như ngày nào Đức Giáo hoàng – với sự trợ giúp của các trợ lý – cũng đăng tải những thông điệp tới công chúng. Tài khoản Twitter @Pontifex phiên bản tiếng Anh của Giáo hoàng Francis – người từng ca ngợi Internet là “món quà của Chúa” - hiện có tới hơn 7 triệu người theo dõi. Ngoài ra, Giáo hoàng còn có 16 triệu người theo dõi 7 tài khoản Twitter bằng các ngôn ngữ khác nhau.

Đáng chú ý, ngay cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sử dụng mạng xã hội. Tháng trước, ông Tập đã chính thức gia nhập vào cộng đồng Facebook để quảng bá cho chuyến công du cấp nhà nước tới Mỹ của ông bằng tài khoản “Xi’s US visit”. Kể từ khi được thành lập vào giữa tháng 9, tài khoản này đã thu hút được trên 1 triệu lượt “like”.

Con dao hai lưỡi

Mặc dù mạng xã hội chứng tỏ sự hiệu quả đáng kể trong việc giúp các chính trị gia xây dựng hình ảnh và thu hút công chúng, song chúng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Việc lạm dụng mạng xã hội đôi khi khiến các chính trị gia “điêu đứng”, hoặc thậm chí tiêu tan cả sự nghiệp. Trong nhiều trường hợp, mạng xã hội là công cụ đắc lực “vạch trần” mặt tối của những người nhân vật quyền lực.

Một trong số những vụ bê bối đình đám trên chính trường Mỹ liên quan đến mạng xã hội là trường hợp của nghị sĩ Anthony Weiner - chính trị gia có 14 năm hoạt động trên chính trường Mỹ.
Tuy nhiên, sự nghiệp của ông Weiner tan thành mây khói sau khi ông này dùng mạng xã hội Twitter để gửi loạt ảnh “mát mẻ” cho gái. Ông từng bật khóc thú nhận trong suốt 6 năm qua đã “chat sex” và gửi ảnh nhạy cảm của mình cho 6 người phụ nữ.

Ngoài ra, mạng xã hội cũng đang là “nỗi khiếp sợ” đối với nhiều quan chức tham nhũng Trung Quốc khi nó trở thành công cụ độc đáo và hiệu quả để vạch trần bộ mặt của họ.

Ông Yang Dacai - Chủ tịch Cục An toàn lao động tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) - mất chức ngay sau khi loạt ảnh chụp cảnh ông đứng cười thoải mái tại hiện trường một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng lan truyền trên mạng, làm dậy sóng dư luận.

Ông Shan Zengde - Phó Chủ tịch Sở Nông nghiệp tỉnh Sơn Đông - bị Ủy ban Thanh tra kỷ luật của tỉnh “sờ gáy” sau khi lá thư ông này viết cho “bồ nhí” với lời hứa “sẽ ly dị vợ” bị rò rỉ trên Internet hồi cuối năm 2012, khiến dư luận Trung Quốc phẫn nộ.
Chưa hết, một số bồ nhí của quan tham Trung Quốc khi bị bỏ rơi thường trút nỗi hận tình lên mạng xã hội bằng cách công khai hình ảnh ân ái mặn nồng cũng như chuyện biển thủ của các quan tham.

Ông Phạm Duyệt - cựu vụ phó thuộc Cục Lưu trữ quốc gia Trung Quốc - là một ví dụ điển hình khi bị cô bồ nhí Kỷ Anh Nam - vốn là một người dẫn chương trình truyền hình xinh đẹp - “vạch mặt” bằng cách tung các hình ảnh “ân ái” nhạy cảm của hai người lên trang mạng xã hội Weibo.