Phụ nữ đang là đối tượng sử dụng mạng xã hội nhiều nhất để nâng cao chất lượng cuộc sống của mình. Tuy nhiên, mặt trái của mạng xã hội tác động lên đối tượng này cũng không hề nhỏ.
Mạng ảo, lo lắng thật
Theo số liệu thống kê của tờ Today Moms, 42% số người được hỏi cảm thấy bị stress vì những gì các bà mẹ khác chia sẻ trên trang mạng Pinterest. Cảm giác lo lắng, buồn bực này nảy sinh khi những bà mẹ này đem con cái mình ra so sánh với con người khác, khi thấy rằng mình nuôi con không được “nhàn nhã” như họ, mình không khéo tay được như họ hay tự tạo áp lực cho bản thân vì mình không thể có được thân hình thon gọn sau sinh như những bà mẹ khác...
Trung tâm Nghiên cứu Pew tiến hành khảo sát trên 1.801 người tìm hiểu về mối quan hệ giữa stress - đặc biệt là ở phụ nữ, và mạng xã hội đầu năm 2015. Trong cuộc khảo sát này, stress được đo đạc theo mức thang của Pew, dựa trên 10 câu hỏi của Pew và được hiện thức hóa bằng việc định nghĩa cuộc sống của người tham gia: Quá khích, không kiềm chế được và không đoán định được phản ứng? Những người cho rằng cuộc sống của mình có những biểu hiện này đồng nghĩa với việc họ phải chịu đựng cảm giác lo lắng, thất vọng cùng khả năng mắc một số bệnh về tim mạch và nhiễm trùng.
Nghiên cứu của Pew cho thấy dù phụ nữ sử dụng mạng xã hội ít bị stress hơn so với người không dùng mạng xã hội thường xuyên, nhưng họ cũng dễ dàng nhận thấy những tình huống gây stress trong cuộc sống của bạn bè mình trên mạng xã hội và... họ bị stress theo.
Trong số những mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay, Facebook là mạng tác động đến tâm lý mọi người nhiều nhất, đặc biệt là phụ nữ. Đây cũng là kết quả khảo sát được tiến hành bởi Công ty viễn thông Rebtel. Theo đó, trong số 1.632 người tham gia khảo sát thì có tới 20% cho rằng Facebook ảnh hưởng tiêu cực tới tâm trạng nhất, 20% khác thì thú nhận trang mạng xã hội này khiến họ lo lắng nhiều nhất.
Khi mạng xã hội nuôi dưỡng thói hư
Phụ nữ thường khá nhạy cảm khi tham gia mạng xã hội. Đây là lý do khiến họ thường nói dối và dễ thể hiện sự ghen tị với thành công của bạn bè qua mạng.
Cục Quảng cáo Sydney cùng Giáo sư Suresh Sood - một nhà khoa học số liệu tại Trường Đại học kinh doanh UTS, Australia - đã tiến hành một nghiên cứu về hành vi của con người trên mạng xã hội. Họ đã phân tích hàng trăm nghìn những status công khai trên Facebook, Twitter, TripAdvisor và Instagram và phát hiện ra rằng phụ nữ nói dối nhiều gấp đôi so với đàn ông trên các đăng tải lên mạng. Phụ nữ thường nói dối về tuổi tác, tình trạng hôn nhân hay thậm chí là bịa đặt hoàn toàn về cuộc sống xa hoa hiện tại của bản thân. Theo người đứng đầu nghiên cứu này - Douglas Nicol, mọi người thường nói dối để nhận được ưu đãi từ các thương hiệu, để thu được tiếng vang trên mạng xã hội và để tự nâng tầm quan trọng của bản thân.
Không chỉ nói dối, mạng xã hội là nơi phụ nữ thể hiện rõ nhất thói xấu ganh tị bằng những lời bình luận ác ý, giễu cợt. Kết quả một cuộc khảo sát do Tổ chức Scope, Anh tiến hành với 1.500 người cho thấy, 62% số người dùng cảm thấy không công bằng và ghen tị khi so sánh những thành tựu và sự kiện của cuộc đời mình với bạn bè trên mạng xã hội.
Theo Giáo sư tình dục học và chuyên gia về quan hệ Nikki Goldstein, phụ nữ thường có thói quen nhìn vào người khác, xem bạn bè đang làm gì. Mạng xã hội đã giúp thói quen này của họ trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn. Tuy nhiên khi thấy bạn thành công, phụ nữ thường nảy sinh tâm lý ganh ghét, muốn bạn thất bại. Tâm lý này xuất phát từ cảm giác thất bại, thấy rằng những thành quả đạt được không phù hợp với năng lực bản thân.
Bà Nikki Goldstein cho rằng, để ngăn chặn thói xấu này, phụ nữ cần hình thành thói quen không nên tin mọi thứ đọc được trên mạng xã hội. Phụ nữ nên tự đặt cho mình những mục tiêu rõ ràng, cố gắng nỗ lực để đạt được mục tiêu đó, thay vì dùng thời gian này đi “soi” thành công của bạn bè.
Quyền năng với phái đẹp
Theo kết quả thu thập được từ nhiều nghiên cứu, phụ nữ là đối tượng “hoạt động” tích cực nhất trên các trang mạng và do đó họ cũng dễ dàng chịu tác động của mạng xã hội.
Số liệu khảo sát của Pew, Niesel và Burst Media cho thấy phụ nữ rất tích cực tương tác với các nhãn hàng thông qua mạng xã hội. Hơn một nửa số phụ nữ dùng mạng xã hội để thể hiện sự ủng hộ, cập nhật thông tin, thực hiện giao dịch và tiếp cận quảng cáo của các nhãn hàng sản phẩm. Chính điều này đã giúp mạng xã hội trở thành nơi tạo nên các trào lưu mua sắm không chỉ của nữ giới, mà cho cả cộng đồng.
Không chỉ định hướng mua sắm, mạng xã hội còn định hướng cả về tiêu chuẩn thẩm mỹ.
Một nghiên cứu mới được hãng Dove, Unilever tiến hành trên 1.027 phụ nữ từ độ tuổi 18 tới 64 cho thấy, khái niệm “cái đẹp” của họ được định hình dựa trên “những người phụ nữ khác trên phương tiện truyền thông và mạng xã hội”. 82% số người được hỏi tin rằng mạng xã hội có thể thay đổi tiêu chuẩn cái đẹp hiện đại. Chẳng hạn như trước đây, người ta thường ca ngợi những cô nàng chân dài, thon gọn, nhưng thời gian gần đây, những hình ảnh tràn ngập trên các mạng xã hội kèm theo thái độ tán dương đã dần định hình tiêu chuẩn đẹp phải là chân to, eo nhỏ.
Mạng xã hội là một “cái bẫy”. Ai khôn ngoan, biết sử dụng nó một cách thông minh sẽ thu được rất nhiều ích lợi. Còn nếu bất cẩn, nó có thể khiến bạn rơi vào những rắc rối không cần thiết.
Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Pew, Mỹ, trong số 74% người dùng Internet truy cập mạng xã hội thì có tới 76% là phụ nữ. Còn theo số liệu của hãng Nielsen, trung bình cứ 10 phút mỗi phụ nữ lại lướt mạng xã hội một lần. |