Nếu không được giới thiệu và không tìm hiểu trước, thật khó có thể tin người phụ nữ 8X xinh đẹp, nữ tính từ vóc dáng đến giọng nói ngồi trước mặt tôi lại là tiến sĩ ngành công nghệ thông tin với niềm đam mê khai phá các quy luật tiềm ẩn trong dữ liệu lớn.
Nhưng chúng tôi thoả thuận với nhau, câu chuyện hôm nay sẽ chỉ xoay quanh những câu chuyện rất đời, rất phụ nữ đó là làm đẹp, nấu nướng và gia đình.
Tính toán khoa học kể từ việc… gội đầu
Cuộc chuyện trò với nữ TS trẻ Nguyễn Thị Thu Hà (khoa Công nghệ thông tin, ĐH Điện lực, Hà Nội) - người vinh dự được là một trong
70 nhà khoa học trẻ được gặp gỡ Thủ tướng - diễn ra êm đềm trong một quán càphê xinh đẹp trong phố cổ, chút mưa lạnh và mùi trà thơm khiến câu chuyện trở nên rất cởi mở.
Ai cũng biết, làm khoa học nếu là nam giới cũng đã rất vất vả, bởi để nghiên cứu thật sự thì bao nhiều thời gian vẫn là chưa đủ. Với phụ nữ, khó khăn ấy sẽ còn nhân lên gấp đôi, gấp ba khi cũng chỉ có 24 giờ nhưng họ còn phải kiêm thêm thiên chức làm vợ, làm mẹ, làm dâu. Chị Hà cũng không ngoại lệ, nhưng thay vì kêu ca, người phụ nữ này lên cho mình một lịch sinh hoạt phù hợp với bản thân: Ngủ từ 9 giờ tối, dậy lúc… 3 giờ sáng.
Nghe qua thì khá “quái” nhưng với chị, đó là bí quyết để có nhiều thời gian hơn người khác, cũng nhờ lịch này mà chị có thể đọc sách, nghiên cứu, làm việc bên máy tính, dành thời gian tập thể dục và thậm chí tự trồng rau mầm, may ga, gối hay đôi khi trổ tài làm bánh cho cả nhà cùng thưởng thức. Thói quen này theo chị đến nay đã 8 năm - từ ngày bắt đầu sinh em bé.
Đi theo lịch nghỉ ngơi khác lạ ấy là quan điểm “chị thích mọi thứ phải nhanh nhẹn, khoa học”, bởi vậy chị Hà cũng cắt giảm tối đa những khâu rườm rà trong cuộc sống. Trong gian bếp, chị sắp xếp đồ đạc đâu ra đấy, mỗi thứ một vị trí để tiện thao tác tối đa.
Thích gội đầu bằng bồ kết, chị nhờ mẹ sao sẵn, bẻ nhỏ, mỗi lần gội đầu thì lấy một nắm cho vào chậu nước ấm, làm việc này việc kia một chốc lát là đã “đâu vào đó”. Hay như giặt quần áo, chị cũng xếp các chậu nước một cách có tính toán nhất để mọi thao tác diễn ra chuẩn thời gian và tiết kiệm sức tối đa.
Khi nói tới chuyện shopping – chuyện muôn thuở của phụ nữ, chị Hà không giấu nổi hào hứng. Nhưng ngay cả với sở thích lớn của mình, chị cũng hết sức… bài bản. Thay vì đến chợ xem chất, xem màu, chị nhắn với 3 cửa hàng vải quen của mình là hãy chụp ảnh mẫu vải đẹp gửi qua zalo, facebook để chọn lựa. Nếu chị ưng, người của tiệm vải sẽ mang thẳng đến tiệm may quen của chị.
Khi sản phẩm đã hoàn tất, tiệm may mang đồ đến cho chị và nhận cả tiền công, tiền vải rồi gửi lại cho tiệm vải. Chị bảo, như thế đương nhiên cũng có cái rủi ro, may 5 cái mà được 4 cái là ăn mừng lớn rồi, nhưng sẽ tiết kiệm thời gian để làm việc khác.
Câu chuyện của chị đơn giản, nhẹ nhàng như mọi việc vốn phải vậy nhưng khiến tôi không khỏi suy nghĩ.
Quả thực, quỹ thời gian mỗi người đều chỉ có ngang nhau, nhưng cách vận dụng thế nào cho linh hoạt, cho được việc, có lẽ tôi phải học chị nhiều.
Làm người phụ nữ thuận theo… tự nhiên Bài bản, khoa học là vậy, nhưng khi nói về làm đẹp, nữ tiến sĩ 8X vui vẻ kể rằng “chị thích thuận theo tự nhiên” nên không quá chuộng hóa mỹ phẩm mà ưa thích sử dụng những sản phẩm tự nhiên.
Món đồ mỹ phẩm duy nhất mà chị thường xuyên sử dụng nhất chỉ là cây son dưỡng cho gương mặt thêm tươi tắn. Khi đi giảng dạy hay hội thảo, dịp nào quan trọng lắm mới thêm một lớp phấn mỏng. Dưỡng môi, dưỡng da chỉ quanh quẩn với dầu dừa, dầu olive.
Thay vào đó, mỗi ngày chị đều dành ra 20 phút để tập thể dục vào mỗi sáng. Thời gian nào quá bận rộn, mệt do nhiều việc chị sẽ uống thêm một vài gói baby aspirin trong vài ngày để giúp lưu thông máu trong cơ thể để tăng cường sức khỏe. Theo chị, khi cơ thể khỏe mạnh thì da tự khắc sẽ đẹp, mịn.
Hỏi chị về chuyện tình yêu, gia đình và những câu chuyện về mặt trái của hôn nhân vẫn xuất hiện đầy rẫy trên mạng xã hội, nữ tiến sĩ chia sẻ rất cởi mở và thẳng thắn.
Như nhiều gia đình khác, cuộc sống hôn nhân của anh chị cũng có lúc không xuôi chèo mát mái bởi những sự bất đồng trong cuộc sống, công việc hay đối nội, đối ngoại. Bản thân chị và chồng chị đều là giảng viên, việc phải đi giảng dạy, công tác xa là điều không thể tránh.
Tiếp xúc với nhiều người mới mẻ, giỏi giang, sẽ là nói dối nếu bảo cả hai không có lúc xao lòng, nhưng quan trọng phải biết đâu là điểm dừng để có thể giữ cho ngôi nhà là nơi bão ngừng sau cánh cửa.
Chị không nói với tôi về bí quyết “giữ lửa”, nhưng chị kể cho tôi về những cốc tinh bột nghệ giúp anh giảm men gan, những bữa cơm được ăn đến sạch veo, những mẻ giá sạch tự tay trồng, những buổi đi ăn, đi xem phim riêng tư của hai vợ chồng và cả những chuyến du lịch không quên mời bà nội đi cùng.
Chị kể cho tôi rằng chị luôn lôi kéo chồng và con trai vào công việc chung, dù rằng mình chị cũng có thể làm được tất cả, bởi đây là cách tự nhiên để tạo nên sự kết nối cả gia đình và từ đó, mỗi thành viên mới thấy yêu tổ ấm của mình.
Thế nên thứ bảy, chủ nhật cả gia đình chị Hà - thay vì cảnh một mình cặm cụi nấu nướng, dọn dẹp - sẽ cùng chung tay nấu nướng, dọn dẹp. Chồng chị cũng sẵn sàng xắn tay vào bếp khi vợ bận rộn, thậm chí theo chị tiết lộ, chồng chị còn biết nấu rất nhiều món ăn.
Đối với con, chị Hà luôn dành thời gian học tập, vui chơi cùng con. Cùng với đó, chị cũng có những cách giáo dục khá đặc biệt, chị cho bé đi học violin, organ để con nuôi dưỡng được tâm hồn giàu cảm xúc.
Đặc biệt, bà mẹ này còn rèn con bằng một cách rất đặc biệt, đó là… cấu hoặc trêu chọc con khi cậu bé đang ngủ, bởi “sau này trên đường đời sẽ có rất nhiều người muốn phá con, chị muốn tập cho con sự nhẫn nhịn và tìm được cách giải quyết trong mọi vấn đề”.
Trước khi gặp chị Hà, tôi vẫn nghĩ những người làm khoa học khô khan lắm, nhưng chuyện trò với chị, tôi chỉ thấy một người phụ nữ ngọt ngào, từng trải và thông minh.
Có lẽ tính kỷ luật nhưng không kém phần linh hoạt rèn luyện được trong quá trình nghiên cứu, làm khoa học đã giúp chị luôn biết cách để cùng gia đình vượt sóng và xây nên một tổ ấm cho riêng mình.
“Nghiên cứu khoa học giúp mình tĩnh lại”. Chị Hà kể rằng, trước đây chị rất nóng tính, nhưng dần dần, công tác nghiên cứu đã giúp chị tĩnh lại. Giờ đây, cứ buồn bực là nữ tiến sĩ “quay mặt” vào máy tính làm việc, tự nhiên bao bực dọc tan biến hết. Đặc biệt, “thần chú” của chị là cười nhiều, vui vẻ nhiều để giúp cuộc sống bận rộn trở nên dễ thở hơn. Cuộc sống bận rộn, nhưng chị Hà không quên dành cho mình những khoảng không gian riêng với những sở thích về âm nhạc, phim ảnh, du lịch. Không có nhiều thời gian, mỗi lần đi hội thảo, chị sẽ tranh thủ thời gian để khám phá thêm về con người, cảnh quan để tạo nên sự mới mẻ cho chính mình. Chị kể, thời gian rảnh, chị ở nhà chăm con, lau dọn nhà cửa, giặt giũ. Có lần giặt quần áo cho chồng, thấy trong túi có mấy trăm ngàn đồng, chị chụp ảnh, đưa lên facebook và đùa chồng: “Giặt quần áo cho chồng thế này thì lãi quá”. Chị bảo, tâm lý đàn ông luôn muốn che chở cho người phụ nữ của mình, nên phụ nữ dù có giỏi giang thế nào, về đến nhà cũng vẫn là người vợ. Sống cùng nhau, tôn trọng công việc, sở thích của nhau, không áp đặt suy nghĩ của mình thì sẽ không có những xung đột lớn. |