Động thái này cho phép Xiaomi tích hợp hơn nữa vào cuộc sống của khách hàng nhờ việc kết nối điện thoại thông minh với ô tô.
Thành lập năm 2010, Xiaomi là nhà sản xuất điện thoại thông minh nổi tiếng của Trung Quốc. Ngoài ra, họ còn sản xuất một loạt thiết bị điện tử tiêu dùng khác, từ tivi, máy giặt, robot hút bụi, cho đến các loại đồng hồ thông minh, loa thông minh, camera, laptop, máy tính bảng.
Ngày 28/3 tại Bắc Kinh, Xiaomi đã chính thức ra mắt chiếc xe điện Xiaomi SU7, đánh dấu sự tham gia của thương hiệu này vào thị trường ô tô điện đang bùng nổ.
Công ty sẽ bắt đầu nhận đơn đặt hàng cho SU7, một chiếc sedan bốn cửa thể thao, sau sự kiện ra mắt. Giá của các mẫu xe dao động từ 30.000 - 42.000 USD (tức 700 triệu đến 1 tỷ VND).
Ở Trung Quốc, nhờ sự trợ cấp tiền mua xe và thuế trước bạ của chính phủ trong hơn mười năm mà ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc đã nhanh chóng phát triển và trở thành thị trường xe điện lớn nhất thế giới (chiếm khoảng 60% thị trường). Một loạt các nhà sản xuất nội địa đang cạnh tranh khốc liệt.
Hầu hết doanh số bán hàng của các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đến từ thị trường trong nước, nhưng họ đang đẩy mạnh sang thị trường nước ngoài với các mẫu xe giá thấp, đặt ra thách thức cho các đại gia ô tô châu Âu, Nhật Bản và Mỹ.
Tháng 12 năm ngoái, ông Lei Jun, chủ tịch của Xiaomi, tuyên bố mục tiêu đưa Xiaomi trở thành một trong năm nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới trong 15-20 năm tới.
Xiaomi đang bước vào một thị trường quá đông đúc mà các nhà phân tích dự đoán sẽ hình thành cục diện mới trong những năm tới, với các công ty khởi nghiệp yếu hơn bắt đầu sụp đổ.
Kết nối hệ sinh thái thiết bị thông minh
Các nhà quan sát trong ngành nhận xét, các mẫu xe mới do các công ty công nghệ giới thiệu đang vẽ lại bức tranh xe điện của Trung Quốc, khi những chiếc xe cao cấp với các tính năng kỹ thuật số tiên tiến như tự động hóa đã thu hút khách hàng nội địa rời xa các mẫu xe dẫn đầu phân khúc của hãng xe ngoại Tesla.
Với khách hàng, những chiếc xe “thông minh” là thứ bắt buộc phải có. Chính vì thế, các hãng công nghệ như Huawei, Baidu và Xiaomi có cửa để nhảy vào phân khúc vật lý này.
Xiaomi - với những dòng sản phẩm nổi tiếng như điện thoại thông minh, TV thông minh và các thiết bị khác - đặt mục tiêu tận dụng công nghệ đó bằng cách kết nối xe điện với điện thoại và thiết bị gia dụng trong một hệ sinh thái gọi là "Human x Car x Home".
Tú Lê, người sáng lập công ty tư vấn Sino Auto Insights, nói rằng Xiaomi đang cố gắng khép vòng tuần hoàn đó bằng cách thêm phương tiện giao thông vào hỗn hợp sản phẩm đã được tích hợp vào cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp của khách hàng.
"Khả năng hòa nhập để trở thành một phần liên tục trong cuộc sống của ai đó là chén thánh cho các công ty công nghệ", Tú Lê nói với AP News. "Anh có lẽ chả biết ai ở Bắc Kinh mà không có ít nhất một sản phẩm Xiaomi, có thể là điện thoại di động, máy tính, TV, máy lọc không khí hoặc máy tính bảng."
Lê nói thêm: "Xiaomi là một công ty công nghệ, vì vậy đó là lợi thế của họ. Nhưng họ cũng cần vượt qua thách thức to lớn là phải học hỏi rất nhiều để trở thành một công ty công nghệ có khả năng sản xuất ô tô". Ông dự đoán với bối cảnh kinh tế chậm chạp hiện tại và cuộc chiến giá xe điện tăng, Xiaomi có thể phải mất 1-2 năm để xem có thể thích nghi với lĩnh vực này hay không.
Công ty nghiên cứu tài chính CreditSights cho biết họ dự đoán mảng xe điện của Xiaomi sẽ bán được 60.000 xe trong năm đầu tiên và thua lỗ trong hai năm đầu vì chi phí tiếp thị và quảng bá cao. Không ít hãng xe điện mới thực hiện chính sách chấp nhận chịu lỗ trong những năm đầu như vậy để đẩy nhanh quá trình tiếp cận khách hàng và chiếm lĩnh thị phần.
Đối với thị trường nước ngoài, Xiaomi và các hãng sản xuất xe điện Trung Quốc có thể gặp khó khăn về chính trị.
Chẳng hạn, Liên minh châu Âu EU đang xem xét liệu các khoản trợ cấp của chính phủ Trung Quốc để xem liệu các khoản trợ cấp này có tạo ra lợi thế không công bằng cho xe điện Trung Quốc trên thị trường hay không.
Tháng trước, Mỹ đã công bố một cuộc điều tra về những chiếc xe điện do Trung Quốc sản xuất vì lo ngại rằng chúng có thể thu thập thông tin nhạy cảm về tài xế.
Tuần trước, Trung Quốc đã phản đối, đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới WTO cáo buộc việc Mỹ trợ cấp cho xe điện gây phân biệt đối xử với các sản phẩm của Trung Quốc.
Xiaomi đã từng bị Bộ Quốc phòng Mỹ đưa vào danh sách đen năm 2021 vì cáo buộc liên quan với quân đội Trung Quốc, nhưng đã xóa khỏi danh sách vài tháng sau đó sau khi công ty phủ nhận các mối liên hệ và kiện ngược lại chính phủ Mỹ.
Tham khảo: