Số vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được xử lý trong năm 2023 đã tăng 213% so với năm 2022, chủ yếu là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.

Đây là kết quả được báo cáo trong Hội nghị quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ năm 2023 do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức vào ngày 29/3.

“Năm 2023, các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác thực thi quyền sở hữu công nghiệp (quyền đối với sáng chế, nhãn hiệu, giải pháp hữu ích…) nhằm đẩy lùi nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Điều này thể hiện ở việc tăng mạnh cả số vụ xử lý và số tiền phạt”, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), cho biết.

Tiêu hủy lô hàng giả gần 7 tỷ đồng.
Cơ quan quản lý thị trường tiến hành tiêu hủy lô hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trị giá gần 7 tỷ đồng. Nguồn:thanhuytphcm.vn

Cụ thể, theo báo cáo của Cục SHTT, trong năm 2023, cả nước đã có 3.049 vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đã được xử lý, tăng 213% so với năm 2022. Tổng số tiền phạt là hơn 36,7 tỷ đồng, tăng 204% so với năm trước. Để hỗ trợ quá trình thực thi quyền, Cục SHTT đã cung cấp 306 ý kiến chuyên môn cho các cơ quan thực thi, tăng 40% so với năm 2022.

Một trong những vụ việc thu hút nhiều sự chú ý là trường hợp xâm phạm nhãn hiệu “BIA SAIGON” của Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO). Tháng 3/2023, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tuyên phạt bị cáo Lê Đình Trung, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam số tiền 700 triệu đồng và pháp nhân Công ty cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam 3 tỷ đồng về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu) của SABECO.

Trước đây, ông Lê Đình Trung từng là cán bộ công tác lâu năm tại SABECO, sau khi nghỉ việc, ông Trung đã thành lập Công ty cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam vào năm 2019. Công ty này đã thuê một cơ sở sản xuất loại bia có nhãn hiệu tương tự SABECO để tung ra thị trường. Do vậy, cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố hình sự và khởi tố bị can với Công ty cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Đây là một trong những vụ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đầu tiên ở Việt Nam mà đối tượng bị khởi tố là pháp nhân (công ty).

Việc tăng cường công tác kiểm tra thị trường đã giúp các cơ quan quản lý phát hiện ra nhiều lô hàng giả mạo nhãn hiệu có giá trị lớn. Vào cuối năm 2023, Đội Quản lý thị trường Số 3 (Cục Quản lý thị trường TPHCM) đã phát hiện hơn 24.000 sản phẩm gồm các loại thuốc tân dược không rõ nguồn gốc xuất xứ, phụ tùng xe gắn máy, quần áo, thực phẩm, mỹ phẩm, túi xách, giày dép… giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới như Gucci, Chanel, Adidas… Toàn bộ lô hàng này trị giá gần 7 tỷ đồng và đã bị buộc tiêu hủy theo quy định.

Dù đạt được nhiều kết quả đáng chú ý, các chuyên gia vẫn lưu ý, bối cảnh mới đang đặt ra những thách thức, đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn của toàn ngành SHTT. Số vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được xử lý trong năm vừa qua cũng tỉ lệ thuận với tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái ngày càng tăng, đặc biệt là trên các nền tảng thương mại điện tử. “Việc cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống thực thi quyền SHTT của nước ta đang trở thành nhiệm vụ có tính cấp bách trong tình hình hiện nay, khi các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc đàm phán để ký kết đang có xu hướng đặt ra các yêu cầu ngày càng cao và khắt khe hơn về vấn đề này”, ông Nguyễn Văn Bảy nhận xét.

Hoạt động đào tạo và tập huấn có vai trò không nhỏ trong quá trình này. Bởi một trong những đặc điểm của hoạt động bảo hộ quyền SHTT là lượng thông tin cần sử dụng rất lớn và đa dạng, nếu không được cập nhật thường xuyên và kịp thời thì khó có thể đảm bảo hiệu quả trong thực thi quyền SHTT. Do vậy, báo cáo của Cục SHTT đề xuất đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng các kiến thức chuyên môn về sở hữu công nghiệp đối với các cơ quan thực thi quyền, thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các cơ quan này với nhau và với các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp ở cả trung ương và địa phương. Ngoài ra, cần tổ chức trưng bày, triển lãm phân biệt sản phẩm được bảo hộ quyền SHTT và sản phẩm xâm phạm quyền SHTT.