Mặc dù kết quả xử lý đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp trong năm 2023 tăng khá cao song với số lượng đơn nộp vào ngày càng tăng, việc giải quyết tình trạng tồn đọng đơn vẫn là một thách thức lớn.

Ngày 29/3, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ năm 2023. Đây là sự kiện thường niên nhằm tổng kết hoạt động trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT) trong năm vừa qua.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá “hoạt động quản lý nhà nước về SHTT trong năm 2023 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Một trong những điểm nổi bật là số lượng đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (bao gồm sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu…) được xử lý đã có sự cải thiện, tăng 13,2% so với năm 2022”. Trong đó, kết quả xử lý đơn sáng chế và nhãn hiệu tăng lần lượt 7,6% và 14,4%.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu trong hội nghị. Ảnh: TA
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu trong hội nghị. Ảnh: TA

Xử lý đơn luôn là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của các địa phương và doanh nghiệp. Để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tốc độ xử lý, trong thời gian qua, Cục SHTT đã triển khai một số giải pháp, bao gồm đề án cung cấp dịch vụ tra cứu khả năng bảo hộ của các đơn đăng ký sở hữu công nghiệp trước khi nộp; đề án giải quyết tình trạng tồn đọng đơn đăng ký nhãn hiệu; tổ chức xây dựng quy chế thẩm định đơn nhãn hiệu; các quy chế giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; nghiên cứu thành lập bộ phận quản lý chất lượng thẩm định đơn sở hữu công nghiệp…

Hoạt động hợp tác quốc tế cũng mang đến những cơ hội giải quyết vấn đề này. Năm 2023, Cục SHTT đã hoàn thành dự án “Nâng cao năng lực xử lý đơn SHTT” và chuẩn bị triển khai dự án “Nâng cao năng lực xử lý đơn đăng ký sáng chế và nhãn hiệu” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Ngoài ra, Cục SHTT tiếp tục triển khai triển khai Chương trình thử nghiệm thẩm định nhanh đơn sáng chế (PPH) giai đoạn 3 với Cơ quan Sáng chế Nhật Bản và Hàn Quốc; Chương trình hợp tác tra cứu và thẩm định đơn đăng ký sáng chế với Singapore; thực hiện trao đổi với Nhật Bản và một số đối tác khác về khả năng bảo hộ lẫn nhau về chỉ dẫn địa lý.

Mặc dù số lượng đơn nộp vào và được xử lý đều tăng, song số lượng văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp được cấp trong năm 2023 lại giảm 12,5% so với năm ngoái. Điều này cho thấy tỉ lệ đơn đăng ký không đáp ứng được các yêu cầu bảo hộ vẫn chiếm phần khá lớn. Việc nâng cao chất lượng đơn đầu vào là điều cần thiết để gia tăng cơ hội được bảo hộ của các đơn đăng ký.

Bên cạnh đó, khoảng cách giữa lượng đơn đầu vào và đơn được xử lý vẫn còn khá lớn. "Dù số lượng đơn được xử lý trong năm 2023 có sự cải thiện nhưng với số lượng đơn đầu vào ngày càng tăng, tình trạng tồn đọng đơn sở hữu công nghiệp ngày càng nhiều", ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục SHTT, cho biết.

Quá trình xử lý đơn lại gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực. Theo báo cáo tổng kết do Cục SHTT công bố trong Hội nghị, hầu hết các đơn vị thuộc Cục SHTT đang thiếu nhân lực và tài chính - cơ chế tự chủ tài chính của Cục có khả năng dừng áp dụng trong năm 2024. Kèm theo đó là hạ tầng công nghệ thông tin vận hành chưa ổn định, các trang thiết bị công nghệ thông tin đã cũ, lạc hậu… ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công việc. Các dự án đầu tư công về công nghệ thông tin và xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu công việc và điều kiện làm việc.

Hiện nay, Cục SHTT vẫn đang cố gắng tìm cách khắc phục tình trạng này. Một giải pháp trọng tâm được đề cập trong báo cáo là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xác lập quyền sở hữu công nghiệp, bao gồm hoàn thành dự án hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, phần mềm dịch vụ công trực tuyến và phần mềm tra cứu phục vụ thẩm định đơn sở hữu công nghiệp; xây dựng lại cơ sở dữ liệu sở hữu công nghiệp. Ngoài ra, Cục SHTT cũng đang lên kế hoạch tuyển dụng và tìm giải pháp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.