Đây là dự đoán được bà Lê Hoàng Uyên Vy - Giám đốc điều hành quỹ đầu tư Do Ventures - đưa ra tại sự kiện Tìm nguồn vốn cho doanh nghiệp trong đại dịch sáng 14/10.
Là đại diện của Do Ventures, quỹ đầu tư nội địa thực hiện báo cáo thường niên về tình hình đầu tư vào khởi nghiệp Việt Nam, bà Lê Hoàng Uyên Vy đã đưa ra các số liệu làm cơ sở cho cái nhìn lạc quan về năm 2021.
Theo bà Vy, năm 2018 đánh dấu sự xuất hiện của các quỹ đầu tư quốc tế và nội địa ở Việt Nam. Đây cũng là năm ghi nhận số tiền đầu tư kỷ lục lên tới 410 triệu USD trên tổng số 60 thương vụ, trong khi các năm trước đỉnh điểm chỉ đạt 100 triệu USD.
Theo đà tăng trưởng đó, Việt Nam tiếp tục đạt mốc mới vào năm 2019, với gần 900 triệu USD. Nhiều quỹ lần đầu đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Đến năm 2020, do xảy ra dịch bệnh COVID-19, các quỹ đầu tư không thể trực tiếp gặp gỡ startup, khiến số tiền đầu tư giảm một nửa so với năm 2019.
Theo bà Vy, "cái đáng nói là tổng số tiền đầu tư giảm một nửa nhưng tổng số thương vụ chỉ giảm 17%. Điều này cho thấy nhà đầu tư không đến trực tiếp nhưng vẫn tin vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, vì vậy họ vẫn đầu tư một khoản giá trị nhỏ để giữ chỗ".
Nói về năm 2021, đại diện của Do Ventures dẫn số liệu thống kê chưa đầy đủ về tình hình 9 tháng đầu năm vào thị trường Việt Nam mà quỹ này có được từ 100 quỹ đầu tư khác và từ Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), để cho thấy mảng đầu tư ở thị trường Việt Nam có sự phục hồi nhanh chóng.
Theo đó, đã có khoảng 600 triệu USD được rót vào Việt Nam - con số này tương đương với năm 2019. “Quý 4 thường là thời điểm thu hút đầu tư nhiều nhất trong năm. Dù không quá lạc quan nhưng chúng tôi vẫn tin rằng, năm 2021 sẽ là năm kỷ lục về tổng số tiền đầu tư vào thị trường Việt Nam, có thể vượt mốc 1 tỷ USD” – bà Vy dự đoán.
Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam cũng đang có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực. Quy mô trung bình các thương vụ trong năm 2020 giảm mạnh so với năm 2019, nhưng đến năm 2021 đã phục hồi tương đương hoặc hơn.
Cụ thể, số tiền đầu tư trung bình ở vòng pre-series A giảm từ mốc 400.000 USD vào năm 2019 xuống còn 200.000 USD vào năm 2020, đến năm 2021 đã tăng lên 500.000 USD. Vòng series A cũng tương tự, quy mô trung bình khoảng 3 triệu USD vào năm 2019 giảm xuống còn 1,4 triệu USD vào năm 2020 và tăng trở lại 2 triệu USD vào năm 2021.
“Năm 2021 cũng cho thấy nhiều dấu hiệu lạc quan vì tiền không còn dồn vào các công ty lớn mà rải đều cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo quy mô nhỏ" – bà Vy cho hay.
Chẳng hạn, lĩnh vực Edtech nhận được đầu tư lớn trong năm 2021 nhưng không phải bằng một thương vụ như năm 2018 (Northstar đầu tư 50 triệu USD vào Topica), mà bằng nhiều thương vụ nhỏ (CoderSchool nhận 2,6 triệu; Marathon nhận 1,5 triệu USD…)
Ngoài ra, ngành y tế cũng đang thu hút đầu tư ở mức cao mà theo nhận định của bà Vy là "lượng tiền đổ vào công nghệ y tế cao nhất từ trước tới nay".
“Khủng hoàng sẽ tạo ra những yếu tố mới. Ví dụ như dịch SARS 2002-2003 giúp Alibaba bùng nổ, khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2010-2011 thúc đẩy sự phát triển của mô hình kinh tế chia sẻ. COVID-19 cũng không ngoại lệ. Khó khăn này có thể giúp startup tăng trưởng đột biến, nên hãy tìm kiếm, khai phá những mô hình kinh tế mới” – bà Vy lạc quan.