Ngày 2/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 270/QĐ-TTg phê duyệt danh mục các chương trình, dự án năng lượng trọng điểm quốc gia, giúp tăng sản lượng điện, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu; đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng; và nâng cao khả năng dự trữ và ứng phó với các rủi ro về an ninh năng lượng.

Việc mở rộng Thủy điện Hòa Bình nhằm khai thác nguồn nước xả thừa vào mùa lũ của nhà máy hiện hữu để phát điện. Ảnh: VNA
Việc mở rộng Thủy điện Hòa Bình nhằm khai thác nguồn nước xả thừa vào mùa lũ của nhà máy hiện hữu để phát điện. Ảnh: VNA

Danh mục này là một phần quan trọng trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII nhằm phát triển điện lực quốc gia đến năm 2030. Chúng xác định các dự án năng lượng trọng điểm có tầm quan trọng với hệ thống năng lượng quốc gia và cần dồn nguồn lực đầu tư hoặc nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc đang vấp phải.

Các dự án năng lượng trọng điểm được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện dài hạn và cần rất nhiều năng lượng để đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế (dự kiến khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030), quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa và nhu cầu sinh hoạt của gần 100 triệu dân.

Các dự án năng lượng trọng điểm được Chính phủ đưa ra gồm:

- 12 dự án nguồn điện, với tổng quy mô công suất gần 13,4 GW, gồm: Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I; nhà máy nhiệt điện LNG Quảng Trạch II; nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng; nhà máy thủy điện Ialy mở rộng; nhà máy thủy điện Trị An mở rộng; nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái; nhà máy nhiệt điện Long Phú I, nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch III và Nhơn Trạch IV, nhà máy nhiệt điện LNG Hiệp Phước giai đoạn 1, nhà máy nhiệt điện LNG Long An 1, nhà máy nhiệt điện LNG Long An 2; và nhà máy thủy điện tích năng Phước Hòa.

- 28 dự án lưới điện, với tổng độ dài khoảng 1.400 km, bao gồm: 15 dự án tăng cường đấu nối lưới điện Bắc-Trung và tăng cường năng lực truyền tải, cung cấp điện cho các khu vực phụ tải lớn; 6 dự án đồng bộ lưới điện và giải tỏa công suất cho các dự án nguồn điện; 4 dự án giải tỏa công suất cho các nhà máy thủy điện phía Bắc và tăng cường mua điện từ Trung Quốc; và 3 dự án lưới điện phục vụ mua điện từ Lào.

- 3 chuỗi dự án khí - điện, với tổng công suất khoảng 12 GW, bao gồm chuỗi dự án phát triển khí-điện Lô B, Cá voi Xanh và LNG Sơn Mỹ.

- 6 dự án xây dựng kho trữ khí tự nhiên hóa lỏng LNG kèm nhà máy điện sử dụng LNG làm nhiên liệu, với tổng công suất khoảng 10,7 GW, bao gồm dự án Quảng Ninh, Thái Bình, Nghi Sơn, Hải Lăng giai đoạn 1, Cà Ná, Bạc Liêu.

- 2 dự án lọc hóa dầu cũng nằm trong danh sách trọng điểm này là dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất và dự án Tổ hợp lọc hóa dầu miền Nam (Long Sơn).

Bên cạnh đó, danh mục cũng bao gồm: Chương trình quốc gia tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm năng lượng giai đoạn 2019-2030 (mục tiêu đạt mức tiết kiệm từ 8-10%, chỉ tiêu cụ thể cho từng ngành); Chương trình cung cấp điện cho khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021-2025 (mục tiêu cấp điện thêm cho gần 900.000 hộ dân, trạm bơm chưa có điện hoặc có điện chưa ổn định); và Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi (có thể giao cho các Tập đoàn kinh tế nhà nước hoặc Bộ Quốc phòng triển khai thí điểm).

Thay đổi bức tranh chung

Theo Bộ Công Thương, những dự án trọng điểm ngành năng lượng sẽ giúp tăng sản lượng điện trong nước, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu; đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng; và nâng cao khả năng dự trữ và ứng phó với các rủi ro về an ninh năng lượng.

Bức tranh chung của ngành điện sau Quy hoạch điện VIII | Biểu đồ: VNDIRECT RESEARCH, 2023
Bức tranh chung của ngành điện sau Quy hoạch điện VIII | Biểu đồ:VNDirect Research, 2023

Người ta tin rằng chúng sẽ có tác động đáng kể đến việc hiện thực hóa bức tranh ngành điện đã được Việt Nam phác thảo trong quy hoạch điện VIII.

Chẳng hạn, điện khí có vẻ là nguồn điện mũi nhọn trong quy hoạch điện VIII cho giai đoạn 2021-2030, với tăng trưởng kép đạt 26% - mức cao nhất trong số các nguồn điện chính và chiếm 27% tổng công suất nguồn điện, theo phân tích của VNDirect Research.Tổng công suất các nguồn điện khí phải đầu tư xây dựng mới theo quy hoạch là 30,4 GW.

Danh mục dự án trọng điểm quốc gia phản ánh điều này, với đa số nhà máy nhiệt điện LNG được hoàn thiện trong vòng 4-6 năm nữa và chiếm gần hết công suất dự kiến xây.

Việc thí điểm điện gió ngoài khơi cũng sẽ được thúc đẩy nhờ danh mục trọng điểm này, và đó là một tín hiệu tích cực.Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có tiềm năng hàng đầu khu vực Đông Nam Á về năng lượng tái tạo ngoài khơi với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6m/s, tương đương công suất khoảng 512 GW.

Quy hoạch điện VIII đưa ra yêu cầu xây dựng chỉ khoảng 6 GW điện gió ngoài khơi, nhưng cho phép tiềm năng mở rộng hơn trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý.

Các công ty nhà nước - bao gồm EVN, PVN, PV GAS, PV Power - đã sẵn sàng biến điện gió thành hiện thực, miễn là họ được "bật đèn xanh" để có thêm các quy định pháp lý liên quan đến các vấn đề như đầu tư công, đấu thầu và sử dụng không gian quy hoạch biển đảo.

Ngoài ra, các dự án xây thêm đường dây 500kV và 200kV nêu trong danh mục trọng điểm cũng sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện ở miền Bắc và dư thừa điện ở miền Trung, tăng khả điều phối điện cho toàn hệ thống.