Chương trình KC-4.0/19-30 tập trung vào các công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 và chú trọng những đề xuất nhiệm vụ do các bộ, ngành, UBND tỉnh, đặt hàng.

Ngày 4/4, tại TPHCM, Ban chủ nhiệm Chương trình KC-4.0/19-30 tổ chức tọa đàm Giới thiệu Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0”, mã số KC-4.0/19-30 và kêu gọi đề xuất nhiệm vụ.

GS.TS Nguyễn Thanh Thủy, Phó Chủ nhiệm Chương trình KC-04/19-30, cho biết, giai đoạn 2019 – 2023, Chương trình có 10 nhiệm vụ KH&CN được nghiệm thu; 37 nhiệm vụ đang triển khai, trong đó, có một số nhiệm vụ do doanh nghiệp chủ trì nghiên cứu, phát triển, ứng dụng. Các nghiên cứu được định hướng có địa chỉ ứng dụng và chuyển giao công nghệ triển khai thực tế và đều có sự tham gia doanh nghiệp, tổ chức ứng dụng.

Một số công trình được nghiệm thu và ứng dụng vào thực tiễn như robot thông minh hình dáng giống người, hỗ trợ dạy tiếng Anh trong trường tiểu học; Hệ thống hỗ trợ thực hành tiền lâm sàng nhi khoa dựa trên công nghệ thực tế ảo; Phát triển hệ thống dịch đa ngữ giữa tiếng Việt và một số ngôn ngữ khác; Hệ thống AI tích hợp dữ liệu địa chất dầu khí đánh giá triển vọng dầu khí; Nghiên cứu xây dựng hệ thống trí tuệ nhân tạo hỗ trợ tầm soát trước sinh cho một số bất thường hay gặp ở Việt Nam; Phát triển hệ thống dịch đa ngữ giữa tiếng Việt và một số ngôn ngữ khác; Nghiên cứu, thiết kế chế tạo robot thông minh hình dáng giống người, hỗ trợ dạy tiếng Anh trong trường tiểu học;…

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Chương trình chú trọng những đề xuất nhiệm vụ của các bộ, ngành, UBND tỉnh; đề xuất có sự đặt hàng và tài trợ từ doanh nghiệp.

G
GS Nguyễn Thanh Thủy giới thiệu Chương trình KC-4.0/19-30. Ảnh: KA

Ngoài ra, ưu tiên các đề xuất có sản phẩm có thể triển khai ứng dụng trực tiếp trong đời sống, có sự lan tỏa trong xã hội; các đề xuất có đăng ký sở hữu trí tuệ, sáng chế, có sự phối hợp giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN. Đặc biệt, ưu tiên các đề xuất có sự phối hợp các công ty khởi nghiệp sáng tạo nhằm hỗ trợ, hoàn thiện công nghệ, đổi mới và triển khai mô hình quản trị, sản xuất - kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên và quan trọng.

Chương trình sẽ tập trung vào các công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 như AI, xử lý dữ liệu lớn, robot tự hành, robot cộng tác, phương tiện bay không người lái, chip sinh học và cảm biến sinh học, năng lượng Hydro, y học tái tạo và kỹ thuật tạo mô, chẩn đoán hình ảnh y-sinh học, công nghệ giám sát sức khỏe, công nghệ năng lượng đại dương và năng lượng sóng, công nghệ năng lượng địa nhiệt, mô phỏng nhà máy sản xuất, …

GS Thủy lưu ý các đề xuất cần có địa chỉ ứng dụng các kết quả do đề tài/dự án tạo ra; đồng thời cho biết Chương trình cam kết hỗ trợ hoàn thiện, chuyển giao công nghệ và triển khai ứng dụng công nghệ trực tiếp trong đời sống, kinh tế, xã hội. Ngoài ra, tổ chức, cơ quan ứng dụng sản phẩm của đề tài/dự án được đề xuất cần có đủ uy tín và năng lực để tiếp nhận và triển khai một cách hiệu quả sản phẩm tạo ra.

Mẫu đề xuất nhiệm vụ có thể tải từ cổng thông tin điện tử của Bộ KH&CN: www.most.gov.vn

Bản in được gửi qua đường công văn gửi đến địa chỉ:

Văn phòng các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước, Bộ KH&CN, 113 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội.

Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN, 113 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội; điện thoại: 04.35560699; email: vtlanh@most.gov.vn