Lượng điện này tương đương khoảng 22% sản lượng điện bình quân một năm của nhà máy thủy điện Hòa Bình.

Một gian hàng của các bạn sinh viên tuyên truyền về sống xanh và sử dụng năng lượng tiết kiệm. Ảnh: Congthuong.vn
Một gian hàng của các bạn sinh viên tuyên truyền về sống xanh và sử dụng năng lượng tiết kiệm tại sự kiện “Năng lượng sạch – Kiến tạo tương lai xanh và bền vững”. Ảnh: Congthuong.vn

Ngày 23/3, tại sự kiện “Năng lượng sạch – Kiến tạo tương lai xanh và bền vững”, hưởng ứng Giờ Trái đất 2024, bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ KH&CN) cho biết, hiện sẵn có nhiều công nghệ có thể cung cấp các giải pháp giảm thiểu tiêu thụ điện.

"Từ việc thay đổi thói quen của các hộ gia đình đến việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, các tiến bộ khoa học công nghệ cung cấp nhiều giải pháp giảm thiểu tiêu thụ năng lượng và thúc đẩy phát triển bền vững. Việc triển khai rộng rãi các công nghệ phổ biến như đèn LED thay thế đèn compact, công nghệ inverter trong đồ dùng gia đình, và thiết bị thông minh là minh chứng cho tiềm năng biến đổi của sự sáng tạo trong việc tiết kiệm điện và nâng cao chất lượng sống của chúng ta", bà Lan nói.

Khán giả đặt câu hỏi về công nghệ năng lượng tại sự kiện 23/3. Ảnh: Congthuong.vn
Khán giả đặt câu hỏi về xu hướng công nghệ năng lượng tại sự kiện “Năng lượng sạch – Kiến tạo tương lai xanh và bền vững”. Ảnh: Congthuong.vn

Nguyên tắc đơn giản của tiết kiệm điện là “Sử dụng đúng lúc, đúng chỗ. Tắt khi không sử dụng”. Hiện không chỉ các doanh nghiệp phải tìm cách sử dụng năng lượng hiệu quả hơn để cải thiện chi phí sản xuất-kinh doanh của mình, mà cả các cơ quan, công sở, tổ chức, tòa nhà thương mại cũng đang phải triển khai các biện pháp giảm sử dụng điện khi không cần thiết để giảm gánh nặng cho lưới điện quốc gia, nhất là vào các tháng cao điểm mùa hè.

Trên lý thuyết, mức tiết kiệm điện thường đo lường bằng lượng điện giảm so với cùng kỳ năm trước hoặc so với kế hoạch sử dụng điện đã được phê duyệt. Đôi khi, người ta cũng đo lường mức tiết kiệm điện bằng cách tính lượng điện giảm so với mức tiêu hao điện bình quân của các hộ gia đình/cơ quan/doanh nghiệp có cùng điều kiện sử dụng điện.

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, cả nước đã tiết kiệm được khoảng 1,8 tỷ kWh trong năm 2023. Để so sánh, con số này tương đương khoảng 22% sản lượng điện bình quân một năm của nhà máy thủy điện Hòa Bình.

Trong đó, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm tiết kiệm hơn 1,2 tỷ kWh (chiếm 67%), cơ quan hành chính sự nghiệp tiết kiệm hơn 355 triệu kWh (chiếm 19,6%), các hệ thống chiếu sáng công cộng tiết kiệm gần 174 triệu kWh (chiếm 9,6%), các hệ thống chiếu sáng quảng cáo, trang trí ngoài trời tiết kiệm gần 68 triệu kWh (chiếm 3,8%), trụ sở các cơ quan đơn vị của ngành điện tiết kiệm được hơn 7 triệu kWh (chiếm 0,4%)...

Để theo dõi, đánh giá mức tiêu thụ điện năng của các nhóm khách hàng, EVN đã xây dựng công cụ https://sudungdien.evn.com.vn. Tập đoàn này cũng xây dựng các cẩm nang tiết kiệm điện miễn phí cho các đối tượng sử dụng điện khác nhau.

Khán giả tham gia các trò chơi của chương trình. Ảnh: GIZ
Khán giả tham gia các trò chơi tìm hiểu về năng lượng tại sự kiện “Năng lượng sạch – Kiến tạo tương lai xanh và bền vững”. Ảnh: GIZ

Trong bối cảnh tài nguyên năng lượng trên thế giới đang dần cạn kiệt, môi trường đang bị ô nhiễm, việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn năng lượng hiện có, đồng thời chuyển dịch từ các nguồn năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo, chi phí hợp lý và an toàn đang trở nên cấp thiết.

“Khi mỗi người đều hiểu được rằng tài nguyên để làm ra điện của chúng ta là có hạn, tất cả mọi người cùng chung tay xây dựng một xã hội tiết kiệm điện không chỉ để vượt qua khó khăn hiện tại mà còn vì một tương lai an ninh năng lượng bền vững cho quốc gia [..]”, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN, phát biểu.

“Điều mà chúng ta cần hướng đến không chỉ là tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường trong một giờ đồng hồ của Giờ trái đất [diễn ra từ 20h30 đến 21h30 ngày 23/03/2024], mà là xây dựng một lối sống có ý thức, có trách nhiệm trong suốt 365 ngày, để mỗi giờ trong năm đều là Giờ Trái đất,” ông Nguyễn Xuân Thắng, đại diện EVN HANOI, bổ sung thêm.

Các bạn nhỏ vẽ tranh về năng lượng. Ảnh: Tan Trang/FB
Các bạn nhỏ tham gia vẽ tranh về chủ đề năng lượng ngày 23/3. Ảnh: Tan Trang/FB


Sự kiện “Năng lượng sạch – Kiến tạo tương lai xanh và bền vững” diễn ra tại
phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, thu hút hàng ngàn người dân, doanh nghiệp và tổ chức tham gia.

Tại sự kiện đã diễn ra nhiều hoạt động giao lưu, tương tác với cộng đồng như: trồng cây để “phủ xanh” Trái đất; tìm hiểu về các công nghệ năng lượng tái tạo tại các gian hàng; tham gia quầy thu gom, phân loại và tái chế rác thải; triển lãm tranh thiếu nhi vì môi trường v.v

Theo ban tổ chức, các hoạt động này nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề tiết kiệm năng lượng, khuyến khích sử dụng năng lượng sạch và bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, đây cũng là dịp để các bên trao đổi thông tin về ngành năng lượng, cung cấp góc nhìn về cách chúng ta có thể sử dụng năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng trong cuộc sống hằng ngày.